Được rèn luyện trong môi trường quân ngũ từ năm 1975 tại Lữ đoàn 532 - Binh đoàn 12 (Đà Nẵng), nữ quân nhân Lê Thị Ngọc Hà cần cù, chịu khó cùng ý chí vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, sau khi xuất ngũ về địa phương, bà bắt tay vào thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới. Bắt đầu với các mô hình chăn nuôi truyền thống như lợn, gà, trồng cà phê, hồ tiêu, sau một thời gian bà nhận thấy không đem lại hiệu quả kinh tế và cần có bước đột phá trong cách làm. Năm 2016, sau khi được người thân trong gia đình giới thiệu về gà Đông Tảo, bà đã mạnh dạn nhập 100 con gà giống từ tỉnh Hưng Yên về nuôi.
Thời gian đầu với vật nuôi mới, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc cùng khí hậu Tây Nguyên khác biệt so với miền Bắc, tỷ lệ sống của đàn gà đầu tiên chỉ đạt 50%. Đứng trước nguy cơ phá sản, bà Hà không nản lòng mà tiếp tục tìm kiếm kiến thức, cách chăm sóc gà Đông Tảo qua Internet và các phương tiện thông tin khác, đồng thời tìm đến học tập thực tế tại một số gia đình đã nuôi thành công. Nắm được kiến thức về chăn nuôi gà Đông Tảo cùng kinh nghiệm tích lũy được sau những lần thất bại, bà đã đầu tư thêm hệ thống chuồng trại, máy ấp trứng… đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi.
Theo bà Hà, gà Đông Tảo đã có tiếng trên thị trường nhờ chất lượng thịt vượt trội, nhu cầu của thị trường khá ổn định. Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk đang có ít hộ nuôi giống gà này. Đây là giống gà có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu chăm sóc thành công. Hiện tại, trang trại nuôi gà Đông Tảo của gia đình bà Hà có quy mô khoảng 100m2 với trên 100 con gà sinh sản và thịt. Hiện mức giá bán đối với gà sinh sản từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/con; gà thịt 300.000 đồng/kg. Những con gà trống chân to, đẹp sẽ có giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/con. Mô hình nuôi gà Đông Tảo đã đem về cho gia đình bà Hà thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ phí sản xuất. Thời gian tới, bà Hà sẽ nhập thêm một số giống gà có giá trị kinh tế cao như gà nòi, gà lai rừng... để phát triển trang trại gà theo hướng đa giống loài.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, bà Hà sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo cho các hộ dân có nhu cầu phát triển mô hình kinh tế này. Đồng thời, bà cam kết cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng để các hộ dân yên tâm sản xuất.
Nói về dự định trong tương lai, cựu chiến binh Lê Thị Ngọc Hà cho biết, thời gian tới, khi hoạt động chăn nuôi đi vào ổn định sẽ mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, bà đẩy mạnh khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ trên các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận, nhằm hướng đến sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, bà Hà đang lên kế hoạch liên kết với các hộ dân nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn để xây dựng một “thương hiệu” gà Đông Tảo nuôi trên Cao nguyên Đắk Lắk.
“Chỉ có liên kết sản xuất quy mô hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh kết nối thị trường mới đem lại lợi nhuận kinh tế cao và giúp các hộ gia đình chuyển đổi vật nuôi thật sự hiệu quả và bền vững”, bà Hà chia sẻ.