Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ

Thời nào cũng vậy, đời lính can trường, trong trái tim các anh là Tổ quốc, trên vai các anh là đồng bào. Đêm 12/10, trong mưa to gió lớn, thông tin báo về trên công trường Thủy điện Rào Trăng 3 có gần 20 người bị sạt lở núi cần sự cứu nạn khẩn cấp đã thúc giục các anh lên đường.

Dẫu biết nguy hiểm rình rập, tính mạng bị đe dọa nhưng cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim, không ngừng thôi thúc các anh, những người lính Cụ Hồ.

Sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Cảnh Anh, bố của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu IV hồi tưởng lại câu chuyện về con trước khi anh vào vùng lũ. 

“Con đang đi vào vùng lũ” là tin nhắn cuối cùng mà Đại úy Nguyễn Cảnh Cường nhắn về cho bố anh là ông Nguyễn Cảnh Anh (trú tại xóm 18B, xã Nghi Liên, thành phố Vinh, Nghệ An) khi đang trên đường thực thi nhiệm vụ. Sau tin nhắn ấy, ông Nguyễn Cảnh Anh liên tục nhắn tin, gọi điện nhưng không thấy con trả lời. Cứ nghĩ con đi vào khu vực mất sóng, không ngờ, đó là lần cuối cùng con trai nhắn tin cho ông.

Sau khi thi thể đoàn cán bộ, chiến sỹ bị lở đất vùi lấp ở Trạm kiểm lâm 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tìm thấy, ông Nguyễn Cảnh Anh như gục ngã sau mấy ngày cố gắng gượng. Niềm hi vọng về phép màu đã không xảy ra. Con trai ông - Đại úy Nguyễn Cảnh Cường đã ngã xuống trên đường vào vùng lũ... Lần giở lại tin nhắn của con trai mình, ông Nguyễn Cảnh Anh không kìm được nước mắt đau xót. Nỗi đau thương, mất mát như cào xé trong người thân, gia đình và bạn bè tại ngôi nhà nhỏ ấy. Tình yêu và hạnh phúc ngọt ngào Cường vừa mới vun đắp, dựng xây đành bỏ ngỏ.

Sinh ra trong gia đình bốn đời đều theo nghiệp nhà binh nên Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu IV không ngừng phấn đấu và rèn luyện. Tốt nghiệp Trường Đại học Sỹ quan Thông tin, năm 2014 Cường về nhận công tác tại Quân khu IV. Đơn vị Cường đóng quân chỉ cách nhà chưa đầy 10km, nhưng số lần anh về thăm nhà rất ít ỏi. Theo quy định của Quân đội, hai tuần/lần được về thăm nhà nhưng mỗi khi đồng đội có việc gia đình thì anh lại xung phong nhận trực thay. Tính cách hòa đồng, giúp đỡ nhiệt tình, làm việc hăng say, đến nơi đến chốn ấy của anh luôn được đồng đội tin yêu, cấp trên tín nhiệm. So với tuổi đời và cấp hàm, Cường là một trong số những sĩ quan trẻ nhất của lực lượng vũ trang Quân khu IV.

Tháng 12/2019, Nguyễn Cảnh Cường lấy vợ. Vợ anh công tác tại một bệnh viện ở thành phố Vinh. Tiếng là công tác gần nhà nhưng vợ chồng anh không mấy khi được gần nhau. Theo lời kể của ông Anh, vừa rồi, sau khi hoàn thành đợt huấn luyện ở Nam Đàn, Cường được nghỉ 2 ngày cuối tuần nhưng vợ anh lại ra Hà Nội học. Cường bắt xe khách ra Hà Nội nhưng vợ anh đang chăm chị gái mới sinh, không tiện lên nhà chị gái vì kiêng cho cháu, Cường lại bắt xe về nên vợ chồng chẳng được gặp nhau.

“Nó về thì lên đơn vị ngay. Hai vợ chồng lấy nhau 8 tháng mà chưa có bầu nên cũng sốt ruột, vừa rồi đi khám, lấy thuốc nhưng đã uống được viên nào đâu...”, giọng ông Anh nghẹn lại.

Chú thích ảnh
Đại úy Nguyễn Cảnh Cường là 1 trong số 13 người đi cứu hộ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng 3. Tình yêu và hạnh phúc ngọt ngào Cường vừa mới vun đắp, dựng xây cũng đã đành dang dở.

Đợt mưa lũ mới đây, Cường được lệnh đi công tác vào Huế, trực chiến ở đơn vị rồi đi luôn, không kịp về qua nhà. Ngày 12/10 có thông tin xảy ra sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, Cường nhắn tin về bảo con cùng Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Man và anh em vào hiện trường khảo sát để lên phương án cứu nạn, cứu hộ. “Cũng là lính, tôi hiểu nhiệm vụ của con nên chỉ động viên, dặn con đảm bảo an toàn. Chiều 12/10, tôi nhắn tin hỏi tình hình, Cường gửi về 2 bức ảnh, nói đang xuống vùng lũ. Sau đó tôi gọi điện, nhắn tin nhưng con không trả lời, tôi chỉ nghĩ là trời mưa, xe không đi được nữa, con hành quân bộ không nghe được thôi. Không ngờ đó là dòng tin nhắn cuối cùng Cường gửi về...”, người cựu binh khóc nghẹn.

Lời hứa còn dang dở

Nghe tin Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu IV cùng đoàn công tác hy sinh trong quá trình cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, đơn vị nơi anh công tác, đồng chí, đồng đội, nhân dân đều vô cùng tiếc thương người sĩ quan trẻ tài giỏi và mẫu mực. Tấm gương luôn hết mình vì nhiệm vụ cùng những dự định của anh được đồng đội và người thân kể lại với tình cảm hết sức trân trọng.

Trải qua các nhiệm vụ công tác từ Trung đội, Đại đội đến Trung đoàn, anh Nguyễn Tiến Dũng đều thể hiện được năng lực công tác, được cấp trên đánh giá là cán bộ trẻ, giỏi về chuyên môn, được đào tạo cơ bản. Ghi nhận quá trình công tác, anh Dũng được cấp trên cử cử đi đào tạo, học tập nâng cao trình độ ở Liên bang Nga 2 năm, vừa trở về nước vào tháng 6/2020. Cách đây 1 tháng, Dũng được Quân khu bổ nhiệm là Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu IV. Trung tướng Võ Văn Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu IV cho biết: “Là sĩ quan giỏi, tuy mới về cơ quan một thời gian ngắn nhưng Dũng luôn mẫu mực, năng nổ nhiệt tình trong công tác. Dũng luôn xung phong đảm nhận tất cả các nhiệm vụ và đi đến những địa bàn vùng khó”.

Một đồng đội của anh kể, trước khi đi vào giúp dân vùng lũ Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Dũng chia sẻ sau đợt công tác này về sẽ phổ biến cho các anh em trong Phòng những kiến thức quân sự sau hai năm học tập ở Liên bang Nga, thế nhưng dự định ấy chưa thành. “Một sĩ quan đầy nhiệt huyết, không ngừng nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, một con người sống giản dị và đầy tình cảm, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng ra đi là một mất mát to lớn cho gia đình và đơn vị”, đồng đội của anh Dũng nói trong nước mắt.

Chú thích ảnh
Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố Vinh, Lữ đoàn Thông tin 80 cùng chính quyền địa phương cử người đến thăm hỏi, phụ giúp gia đình Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu IV lo liệu việc tang lễ. 

Con đường nhỏ dẫn vào nhà anh ở xóm 3 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) từ khi nghe thông tin anh và đoàn công tác mất liên lạc rất đông các ban ngành, đoàn thể cùng anh em, bạn bè đến chia sẻ cùng gia đình. Trong căn nhà cấp 4, chị Lê Thị Bích Hằng (vợ anh Dũng) nghẹn ngào: “Trước ngày đi công tác, anh còn dặn em ở nhà cố gắng bồi bổ sức khỏe để tiếp tục ra Hà Nội chữa trị. Hai vợ chồng còn nhiều dự định lắm chưa thực hiện được, cuối năm nay vay mượn thêm để sửa lại ngôi nhà và còn dự sinh thêm cháu nữa. Vậy mà anh đã đi rồi”. Ở một góc nhà, cháu Nguyễn Thị Hà Phương, con gái của anh cũng không nói nên lời: “Bố bảo con học giỏi, bố sẽ có phần thưởng cho con nhưng giờ bố đã đi xa rồi”.

Hai mươi hai năm công tác, anh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng ba cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua các cấp và 13 năm liên tục (từ 2004-2016) là Chiến sĩ thi đua.

Giữa thời bình, các anh vẫn không quản hy sinh, máu xương các anh hòa vào sông núi. Đất nước và người dân Việt Nam mãi ghi nhớ công ơn các anh – những người lính Cụ Hồ.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Tình hình mưa lũ ngày 16/10: Vẫn chưa tìm thấy 15 công nhân mất tích ở Rào Trăng 3
Tình hình mưa lũ ngày 16/10: Vẫn chưa tìm thấy 15 công nhân mất tích ở Rào Trăng 3

Ngày 16/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn và người dân đã tìm thấy thêm một thi thể công nhân tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 liệt sĩ hy sinh khi tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN