Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Bình Phước có nhiều điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Vai trò của các điển hình tiên tiến được thể hiện ở mọi mặt đời sống, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành pháp luật, đội ngũ này còn có vai trò rất quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; nêu gương trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; tích cực vận động và giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững; tích cực nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào các mặt của đời sống xã hội; các cá nhân và gia đình có nhiều đóng góp tích cực như ngày công lao động, hiến đất, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, có nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ khẳng định, ghi nhận vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất kinh doanh giỏi, các em thanh niên, học sinh, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn thể hiện sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với công tác dân tộc.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Dân tộc tỉnh quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng: “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị", “Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển ", từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi để tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các đơn vị, địa phương phát huy vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất kinh doanh giỏi và thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thuộc lĩnh vực ngành quản lý; đồng thời, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
UBND cấp huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác dân tộc trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo các chính sách dân tộc được thực hiện thực chất, hiệu quả; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành chức năng xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Phước giảm được khoảng hơn 2.000 hộ nghèo (trong đó có khoảng hơn 1.100 hộ là người dân tộc thiểu số). Hiện, tỉnh còn trên 1.000 hộ nghèo (trong đó có 472 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số). Tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn, số người dân tộc thiểu số chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh.