Bắc Giang kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí, tinh thần chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tỉnh chú trọng phát hiện, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình từ các phong trào thi đua; bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực để làm nòng cốt.
Cùng với đó, Bắc Giang tổ chức các hoạt động giao lưu, nêu gương, tuyên truyền rộng rãi về điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền cho biết thêm, thời gian tới, địa phương tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và nâng cao thu nhập, mức sống; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; giải quyết tốt tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các chính sách an sinh xã hội khác cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với công tác quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân đi vào thực tiễn một cách thực chất, hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Bắc Giang là tỉnh miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi và một huyện vùng cao. Dân số toàn tỉnh hiện là trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước), trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 14,26%.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án, chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có bước phát triển, giúp diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang đã có những thay đổi căn bản.
Nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đã xuất hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Bắc Giang. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Như, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Mật (xã Vĩnh An, huyện Sơn Động) chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả, mở xưởng sản xuất rượu Như Bảo, tạo việc làm cho 7 phụ nữ trong thôn.
Đại úy Trương An Ninh (dân tộc Sán Dìu, Trưởng Công an xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.
Chị Lý Thị Phin (dân tộc Nùng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Vương, huyện Yên Thế) đã tham mưu tốt các hoạt động vận động giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo; tham mưu thực hiện tốt mô hình dân vận khéo thực hiện đoạn đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn tại địa phương.
Ông Hoàng Xuân Lai (người có uy tín thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Yên) đã vận động các hộ gia đình dân tộc cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiến đất được 1.300 m2 để mở rộng đường giao thông nông thôn; cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đúng nơi quy định...