Đào không chỉ là tay thợ có nghề giỏi mà nhiều năm qua, anh cũng chính là “mạnh thường quân” luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã. Từ nguồn thu nhập hạn hẹp mỗi ngày của mình, anh thợ sửa xe Trần Xuân Đào lại trích 10.000 đồng - 50.000 đồng để bỏ vào thùng từ thiện nhỏ do chính mình lập ra.
Chúng tôi đến thăm cửa hàng sửa xe tại nhà của anh Đào lúc mặt trời gần đứng bóng, gặp anh đang thoăn thoắt gỡ ốc, nối dây… để sửa chiếc xe đạp cho học sinh. Đó chỉ là một cửa hàng nhỏ nhưng xe cộ luôn chật ních trong không gian gần 20m2. Khi được hỏi về thu nhập từ sửa một chiếc xe như vậy, anh Đào chia sẻ: “Xe đạp của mấy em học sinh thì không mấy khi em lấy tiền, toàn sửa giúp miễn phí thôi”.
Từ cửa hàng này của mình, trong hơn 3 năm qua, Trần Xuân Đào đã sửa xe miễn phí cho hơn 1.000 lượt người. Chủ yếu là các học sinh, người già, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Anh Đào tâm sự: “Nhiều khi các em chỉ vào bơm lốp xe hay tăng dây xích, mình cầm tiền cũng ngại lắm. Các em đi học cũng không có tiền, những việc này cũng không tốn công nên mình giúp là chính. Nhiều bác già cả, ở một mình, xe cộ hư lại qua nhờ mình. Giúp được mọi người những việc nhỏ như thế này khiến mình rất vui”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông khó khăn, là con trai cả nên anh Đào sớm thoát ly gia đình vào Nam học nghề. Năm 2014, anh Đào về quê tự vay 100 triệu đồng mở cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy tại nhà. Sau 3 năm đi vào hoạt động, cửa hàng sửa xe của anh thu hút rất đông khách hàng. Nhờ tay nghề cao nên không chỉ khách trong thôn mà khách ở những nơi khác cũng tìm đến cửa hàng sửa xe của anh Đào. Đồng hành với mô hình kinh tế, anh Đào đã lập một thùng từ thiện nhỏ lấy tên “Bơm, tăng xích từ thiện”.
Chia sẻ về ý tưởng này, anh Đào cho biết: “Năm 2015, trong một lần tham gia trao quà Tết cho từng gia đình trong thôn, mình thấy còn nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn. Mặc dù, thu nhập hàng tháng không nhiều nhưng mình nghĩ, mỗi ngày tiết kiệm một ít thì sẽ có thêm một khoản để giúp đỡ bà con trong xã”.
Nghĩ là làm, anh Đào dùng ván gỗ đóng thành một chiếc hộp nhỏ. Hằng ngày, sau khi kết thúc một ngày làm việc, anh Đào lại tự tay bỏ vào chiếc hộp từ 10.000 đồng – 50.000 đồng tùy theo lượng khách trong ngày. Chiếc thùng từ thiện được treo ngay tại chỗ sửa xe.
Thoạt đầu, khách hàng tỏ ra ngạc nhiên vì chiếc thùng từ thiện nhỏ này nhưng sau khi biết ý tưởng của anh thợ sửa xe, rất nhiều vị khách đã vui vẻ bỏ thêm dăm ba ngàn đồng để đóng góp. Với số tiền tiết kiệm này, đến dịp Tết, anh Đào lại mở hộp và trao số tiền tiết kiệm của mình đến Đoàn xã, tham gia trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Ba năm qua, thùng từ thiện của Đào đã quyên góp gần 30 triệu vào các hoạt động từ thiện trên địa bàn xã Thuận Lộc.
Biết được những hoàn cảnh khó khăn trong xã, 3 năm nay, anh Đào đều đến tận từng nhà trao quà. Như trường hợp ông Trần Văn Tiến (thôn Chùa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là thương binh hạng nặng lại có 3 người con bị tâm thần hay bà Nguyễn Thị Hiền (76 tuổi) là người già cả, neo đơn…
Kể về anh thợ sửa xe tốt bụng, bà Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: “Người giàu làm từ thiện tui thấy nhiều nhưng Đào cũng không khá giả gì lại mới lập nghiệp nhưng tấm lòng rất đáng quý. Những người neo đơn như chúng tôi, thêm mỗi lời động viên cảm thấy ấm áp lắm”.
Anh Nguyễn Huy Tính (Bí thư Đoàn xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho biết: “Dù là một thanh niên mới bước vào khởi nghiệp nhưng Trần Xuân Đào luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương, nhất là trong phong trào thiện nguyện. Hằng năm, với số tiền từ hộp “Bơm tăng xích gây quỹ từ thiện” đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã”.