Niềm vui đến tình cờ
Việc tham gia hiến máu nhân đạo đến với thầy Thanh rất tình cờ. “Năm 2011, khi ấy tôi đang là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (thành phố Hải Dương) thì nhà trường nhận được một thư mời tham gia đợt hiến máu nhân đạo quy mô lớn, gửi kèm lá thư của Chủ tịch nước nói về việc hiến máu nhân đạo. Tôi đã đọc và rất xúc động. Sau đó, tôi cùng một số giáo viên và học sinh trong trường đăng ký tham gia”, thầy Thanh nhớ lại.
Sau lần hiến máu đó, thấy sức khỏe không yếu đi mà lại tốt lên trông thấy, thầy Thanh đã tập trung tìm hiểu ý nghĩa, tác dụng và những thông tin khoa học xung quanh việc hiến máu. Giờ đây, khi nói chuyện với thầy, không ít người bất ngờ với kiến thức như một bác sỹ huyết học của một thầy giáo vật lý "khô như ngói".
Thầy Thanh bên bàn làm việc. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Những năm gần đây, thầy hiếm khi vắng mặt ở hầu hết các vận động hiến máu quy mô lớn được tổ chức tại Hải Dương. Tháng 7/2016 là thời điểm ý nghĩa đánh dấu lần thứ 10 tham gia hiến máu tình nguyện của thầy. Nhắc lại kỷ niệm của những lần đi hiến máu, thầy Thanh vui vẻ kể: Có mấy lần, khi ra khu vực dành cho những người lấy máu, nhiều bạn trẻ tròn mắt hỏi ôi bác cũng đi hiến máu ạ? Thậm chí, các cán bộ y tế khi biết tôi sinh năm 1959 cũng ngạc nhiên. Hoặc có lúc tôi gặp nhiều bạn trẻ đi hiến máu buổi đầu nên e ngại. Khi đó, tôi bật cười nói các em cứ yên tâm, thầy hiến máu nhiều lần vẫn rất khỏe, thậm chí còn trẻ ra, vậy là các em mạnh dạn và yên tâm hẳn.
Thầy Thanh rất thích câu nói “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” bởi câu nói này hàm chứa ý nghĩa lớn lao của việc hiến máu tình nguyện. Thầy luôn tâm niệm, mỗi giọt máu hiến tặng hôm nay sẽ góp phần cứu sống một con người trong tương lai.
Người "truyền lửa" Không những hoàn thành tốt công việc của một giáo viên, thầy Thanh còn là một "nhân tố" đặc biệt trong công tác vận động hiến máu tình nguyện trong nhà trường. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hải Dương: Thầy Thanh vừa là tấm gương điển hình về hiến máu tình nguyện vừa là người tích cực trong phong trào vận động hiến máu của địa phương. Nhờ có những người như thầy mà việc tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi thầy công tác hiện là điểm sáng của thành phố trong việc tham gia hiến máu tình nguyện.
Giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 2014, thầy Thanh đã cùng Ban Giám hiệu tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về hiến máu nhân đạo. Từ các hoạt động Đoàn thanh niên đến những buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi sáng thứ hai hằng tuần, mỗi giáo viên, học sinh lại càng hiểu thêm về ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện. Nhiều hôm, thầy hiệu trưởng đã trực tiếp trả lời, tư vấn mọi thắc mắc của học sinh về hiến máu tình nguyện. Từ đó, nhiều giáo viên và học sinh hứng thú và chủ động đăng ký tham gia hiến máu mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ địa phương tổ chức. Mỗi đợt hiến máu trở thành một ngày hội của thầy và trò trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm khi luôn có hàng chục học sinh, giáo viên tham gia, cao gấp 4-5 lần so với kỳ vọng của đơn vị tổ chức.
Thầy Đặng Văn Thuật, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Ngoài việc thường xuyên tham gia hiến máu, thầy còn là một tuyên truyền viên, một người truyền lửa cho rất nhiều người về nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người.
Theo thầy Thanh, tình trạng khan hiếm máu tại các bệnh viện hiện rất phổ biến; việc hiến máu nhân đạo tuy đã có một số kết quả nhưng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động để huy động tiềm năng từ cộng đồng trong việc hiến máu tình nguyện cần được đẩy mạnh hơn nữa. Việc vận động cần đi vào cụ thể, tài liệu khoa học cần phổ biến rộng hơn giúp người dân hiểu rằng với những người khỏe mạnh thì hiến máu là không có hại. Từng chứng kiến không ít người khi đi hiến máu đã bỏ về giữa chừng vì thời gian chờ đợi đến lượt quá lâu, thầy Thanh mong rằng công tác tổ chức hiến máu trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, khoa học hơn để người dân luôn thấy thoải mái, hứng khởi khi đi hiến máu.
Bên cạnh câu chuyện về hiến máu tình nguyện, thầy Thanh còn hào hứng giới thiệu về rất nhiều hoạt động ngoại khóa, từ thiện mà nhà trường đã tổ chức hàng năm như: hỗ trợ cho học sinh nghèo miền núi tỉnh Hòa Bình, giao lưu giữa thầy trò nhà trường với Hội Người mù, trẻ khuyết tật… nhằm giáo dục cho học sinh về lòng thương người, tính nhân văn.
Bên cạnh những thành tích, khen thưởng trong công tác chuyên môn, thầy Hoàng Chí Thanh còn được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (năm 2013), Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương (năm 2016) vì có thành tích trong hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện...