Sáng 24/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Quân y 354, UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), trường Đại học Thủ đô và Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã tổ chức chương trình truyền thông lưu động về hiến máu tình nguyện.
Chính ủy Bệnh viện Quân y 354 Đại tá Nguyễn Ngọc Du cho biết, trong những năm qua, Bệnh viện Quân y 354 đã phối hợp với nhiều đơn vị trong quân đội và trên địa bàn khu vực để thực hiện nhiều chương trình vận động hiến máu. Các cán bộ của bệnh viện đã đóng góp hơn 600 đơn vị máu trong thời gian qua.
Các tình nguyện viên hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng 2017. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Đặc biệt, nhiều trường hợp, cán bộ nhân viên bệnh viện hiến máu cứu người ngay tại buồng cấp cứu, phòng mổ. Với tinh thần “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Ban Lãnh đạo và cán bộ nhân viên bệnh viện rất ủng hộ chương trình này.
Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương chia sẻ, hàng năm, sau dịp Tết, lượng dự trữ máu tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương luôn xuống mức thấp. Lễ hội Xuân hồng 2017 mới được tổ chức đã đóng góp hơn 9 nghìn đơn vị máu, nhưng chỉ trong vòng 1 tuần, lượng máu nay đã gần hết, số còn lại chỉ khoảng 1000 đơn vị máu.
Do đó, Viện Huyết học truyền máu Trung ương hoan nghênh, ủng hộ những chương trình hiến máu lưu động như thế này để bổ sung kịp thời nguồn máu cứu người.
Đồng thời, đây cũng là dịp để tuyên truyền sâu rộng hơn nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, cá nhân về hiến máu tình nguyện, qua đó kêu gọi mọi người tích cực tham gia.
Tham dự ngày hội hiến máu, Bệnh viện 354 có khoảng 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên đăng ký. Cùng với số lượng người đăng ký từ trường đại học, UBND phường... ban tổ chức ước tính sẽ thu được từ hơn 600 đến 900 đơn vị máu.
Lần đầu tiên tham gia hiến máu, chị Vũ Thúy My, cán bộ Tư pháp UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) chia sẻ: Được tuyên truyền và hiểu rõ về lợi ích và ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo, tôi chủ động đăng ký tham gia hiến máu. Việc tổ chức hiến máu trong viện đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh nên tôi rất yên tâm. Sau khi hiến máu, tôi thấy sức khỏe bình thường và rất vui.
Anh Phan Văn Đốc (Bệnh viện 354) cho biết đã hiến máu 5 lần rồi. Có năm một lần, năm nào sức khỏe tốt, anh tham gia 2 lần. Những người khỏe mạnh nên chủ động tham gia hiến máu để giúp đỡ được các bệnh nhân, đồng thời có lợi ích tốt cho chính bản thân mình.
Trong đơn vị, mọi người tự nguyện tham gia và vận động những người xung quanh tham gia bởi đây thật sự là một việc làm có ý nghĩa nhân đạo.
Hướng tới nền y tế đáp ứng sự hài lòng của dân Ngày 24/2, ngành y tế Hà Nam tổ chức phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác năm 2017 và kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2017).
Thực hiện mục tiêu hướng tới một nền y tế đáp ứng sự hài lòng của người dân, năm 2017 ngành y tế Hà Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó ngành tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, quyết liệt trong quản lý, điều hành; thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, triển khai thực hiện và xử lý kịp thời, có hiệu quả các lĩnh vực ngành quản lý; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống y tế, rà soát, xây dựng vị trí việc làm, số người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị hợp lý.
Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nam chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, chủ động phát hiện sớm, từng bước kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, áp dụng các kỹ thuật mới, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy chế chuyên môn, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh; tăng cường công tác kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc.
Ngành đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, khuyến khích đào tạo nâng cao, trên đại học, ưu tiên đào tạo các chuyên khoa đầu ngành, đào tạo bác sỹ cho tuyến xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y, dược ngoài công lập, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện quy định sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; không để thuốc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, những năm qua, công tác khám chữa bệnh của tỉnh Hà Nam đã được nâng lên rõ rệt cả về chất và lượng. Riêng năm 2016, tuyến tỉnh đã khám được gần 270.000 lượt người, công suất sử dụng giường bệnh đạt 102%; tuyến huyện khám trên 475.000 lượt người, công suất sử dụng giường bệnh đạt 104%.
Cơ sở vật chất của bệnh viện đa khoa và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp với nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp mạch và can thiệp tim mạch, cộng hưởng từ (RMI), hệ thống lọc thận online, xét nghiệm 49 thông số…
Hầu hết các xã, phường, thị trấn có đủ cán bộ y tế phục vụ, trong đó 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, trên 75% số trạm y tế có bác sỹ và 100% số thôn, xóm có nhân viên y tế hoạt động. Đến nay, tỉnh có 87/116 xã đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 5 tuổi đạt 99,75%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12,3%...
Nhân dịp này, 6 tập thể và 21 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ Y tế; 19 xã được nhận Bằng công nhận xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, giai đoạn 2011 - 2020.
Hướng tới sự hài lòng của người bệnh Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức - Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tích cực đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Khoa hiện có 127 cán bộ, nhân viên, trong đó có 10 bác sĩ. Hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua tập thể các y, bác sĩ trong Khoa đã đoàn kết cùng xây dựng các mô hình, giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ theo cuộc vận động của ngành y tế Kiên Giang.
Quyết tâm của tập thể y, bác sĩ và nhân viên trong Khoa được thể hiện qua dòng chữ: "Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức cam kết thực hiện đổi mới về giao tiếp ứng xử, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, xem người bệnh là trung tâm".
Hiện nay, trung bình mỗi tháng Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức tham gia cấp cứu và điều trị khoảng gần 1.700 ca. Để nâng cao chất lượng phục vụ, lãnh đạo Khoa xây dựng nhiều mô hình, tìm các giải pháp cải thiện phục vụ trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Đơn cử như việc xây dựng biểu mẫu hướng dẫn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân tiện đi lại, chăm sóc; hướng dẫn chu đáo đối với các trường hợp bệnh nặng cần phải được điều trị ngay, giúp người nhà bệnh nhân đến đúng nơi, đúng chỗ để đảm bảo theo dõi người bệnh.
Khoa còn chủ động xây dựng phần mềm quản lý và thông tin tình hình người bệnh thông qua hệ thống màn hình ti vi bên ngoài phòng mổ và phòng hồi sức để thân nhân có thể theo dõi thường xuyên trong suốt thời gian điều trị; giúp người bệnh và thân nhân của họ thêm yên tâm trong các trường hợp phẫu thuật và điều trị bệnh nặng.
Anh Trịnh Thanh Liêm (ngụ huyện Châu Thành, Kiên Giang) đưa mẹ vào mổ ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chia sẻ: "Thân nhân người bệnh ngồi ngoài chờ mổ thường rất lo lắng nhưng nhờ có mô hình mới này thấy rất yên tâm và thuận lợi. Các y, bác sĩ ở đây luôn hướng dẫn nhiệt tình và chu đáo".
Theo bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Nam Hải - Trưởng Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, nhờ duy trì thường xuyên việc đưa hình ảnh điều trị lên màn hình ti vi đã giúp cho thân nhân của người bệnh yên tâm theo dõi bệnh tình của người nhà, sức khỏe người bệnh như thế nào, chế độ ăn uống và chăm sóc ra sao sau mổ; nắm bắt được ngày và giờ chuyển đến khoa, phòng nào để điều trị tiếp theo. Đặc biệt trên màn hình lúc nào cũng có lời động viên của tập thể Khoa đối với người bệnh.
Mô hình đảm bảo sự hài lòng của người bệnh khi đến phẫu thuật tại Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức mặc dù triển khai chưa lâu nhưng đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Hiệu quả của mô hình không chỉ tạo sự yên tâm của thân nhân người bệnh, theo dõi được chế độ chăm sóc, biết được tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật, giảm bớt phiền hà và xem người bệnh là trung tâm. Đó cũng là mục tiêu của ngành y tế nhằm từng bước đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Hết lòng vì bệnh nhân nghèo Với phương châm “Thuốc tại chỗ, thầy tại chỗ, chăm sóc tại nhà”, những năm qua Lương y Nguyễn Văn Thiện (59 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long đã không quản ngại đường xa để đến tận các xóm, ấp điều trị cho bệnh nhân nghèo.
Ông cũng chính là Đội trưởng Đội Châm cứu lưu động của Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long, chuyên đến tận nhà bệnh nhân để điều trị bệnh miễn phí.
Từng có kinh nghiệm làm Trưởng Trạm y tế xã cùng với niềm đam mê nghề, từ năm 1994 - 1998, Lương y Nguyễn Văn Thiện đã đăng ký học ngành y tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi học xong, ông tham gia công tác tại phòng khám đông y ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Đến năm 2012, ông tham gia Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long và gắn bó với hoạt động của Đội Châm cứu lưu động từ đó đến nay. Qua 5 năm tham gia công tác này, Lương y Nguyễn Văn Thiện đã đi đến hầu hết các ngõ ngách, những nơi nghèo nhất của tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận.
Ông đã điều trị lành bệnh cho hàng trăm trường hợp, trong đó có nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Phần lớn bệnh nhân của ông đều có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Đi xa, vất vả nhưng mỗi lượt điều trị châm cứu, bấm huyệt… ông chỉ nhận từ 5.000 - 15.000 đồng, đối với những trường hợp khó khăn, neo đơn, ông chữa trị miễn phí.
Bà Huỳnh Thị Hoa (66 tuổi) ở xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, bà bị bệnh tai biến, suy tim gần 3 năm qua. Lúc bệnh nặng, không có tiền ở lại bệnh viện điều trị, gia đình đưa bà về nhà.
Lương y Nguyễn Văn Thiện biết tin và đã đến nhà điều trị miễn phí cho bà. Sau hơn một tuần, tay chân bà cử động được, rồi tập từ từ tới giờ có thể đi đứng, nấu ăn và nói chuyện bình thường.
Cũng giống như bà Hoa, căn bệnh tai biến mạch máu não khiến bà Lê Thị Lượm (67 tuổi) ở xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long phải nằm một chỗ. Bà Lượm kể: Hồi đó bà tưởng không sống nổi vì bệnh nặng. Nhưng từ khi được Lương y Nguyễn Văn Thiện đến nhà điều trị miễn phí và động viên tinh thần bà đã khỏe hơn nhiều.
Hơn 20 năm hành nghề y với tâm niệm “Lương y như từ mẫu”, lại khá mát tay khi điều trị những chứng bệnh “cứng đầu” như, tai biến mạch máu não, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm… nên hễ nghe ở đâu có người bệnh đang cần chữa trị là ông thu xếp để đến tận nhà.
Lương Y Nguyễn Văn Thiện cho biết, mỗi tuần ông dành 3-4 ngày để đi chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, thị xã Bình Minh...; có những ngày ông vượt hàng trăm km đến các tỉnh An Giang, Long An hay thành phố Cần Thơ để điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh cạnh việc đến tận nhà điều trị cho bệnh nhân, hàng tuần ông cũng dành thời gian có mặt ở trụ sở Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long để thực hiện công tác của hội và hướng dẫn chuyên môn cho những kỹ thuật viên trẻ tuổi. Nhờ đó, hoạt động Đội Châm cứu lưu động tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân thoát bệnh hiểm nghèo.
Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long Lê Bình An cho biết, trong năm 2016, Đội Châm cứu lưu động tỉnh Vĩnh Long đã khám và điều trị tại nhà cho gần 2.000 lượt bệnh nhân.
Với vai trò là Đội trưởng Đội Châm cứu lưu động, Lương y Nguyễn Văn Thiện đã theo dõi sát sao những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời bố trí đội ngũ kỹ thuật viên đến chăm sóc, điều trị.
Bản thân ông cũng thường chăm sóc, điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đồng thời quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cho nhiều kỹ thuật viên trẻ tuổi, có tâm để tăng cường lực lượng cho Đội Châm cứu lưu động, góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân.
Lương y Nguyễn Văn Thiện chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc là được chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, giúp họ phục hồi được sức lao động.
Với những đóng góp cho ngành y, năm 2015 Lương y Nguyễn Văn Thiện đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích trong việc đẩy mạnh phương pháp châm cứu và các hình thức chữa bệnh không dùng thuốc; năm 2016 ông được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.