Khi còn là Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài, cứ sau 8 tiếng giờ hành chính, nữ cán bộ phường lại âm thầm xuống với nhân dân, tiếp tục công việc vì sự an toàn của người dân.
Niềm tin yêu của dân là động lực
Chị Huyền còn nhớ như in những năm tháng đó, cứ đến đêm, khi cả thành phố dần chìm vào giấc ngủ, cũng là lúc chị Thanh Huyền chuẩn bị sổ sách, vật dụng cần thiết, lên xe cùng đoàn cán bộ chức năng của phường Hàng Bài đi kiểm tra khu vực. Nhiệm vụ chính là nắm bắt tình hình phòng cháy chữa cháy, để kịp thời phát hiện và xử lý. Theo chị Huyền, đó là công việc thường xuyên sau giờ hành chính của chị.
Bên cạnh các vấn đề về văn hóa - xã hội, chị Huyền được giao phụ trách thêm công tác phòng cháy, chữa cháy tại phường. Chị cho biết, ban đêm, là lúc người dân lơ là cảnh giác nhất, nếu xảy ra vấn đề về cháy nổ sẽ đặc biệt nguy hiểm. Chính vì vậy, việc đi kiểm tra đêm thường xuyên là nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong đoàn, chỉ có chị Huyền là phụ nữ. Đến từng hộ kinh doanh, từng hộp chữa cháy công cộng, chị Huyền tỉ mỉ kiểm tra nhãn mác từng bình cứu hỏa. Thậm chí sẵn sàng cầm đèn pin đi sâu vào từng con hẻm nhỏ để kiểm tra, vừa không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ người dân.
Chị Huyền tâm sự: “Phải đến tận nơi, sát sao từng hộ dân mới có thể hiểu được điều kiện đảm bảo phòng cháy của họ thế nào, để từ đó nhắc nhở kịp thời và có biện pháp khắc phục. Hơn nữa, người dân thấy có lãnh đạo phường trực tiếp xuống kiểm tra ai cũng phấn khởi, nhiệt tình hợp tác với lực lượng chức năng”.
Khi được hỏi lý do sẵn sàng xông pha không ngại khó, ngại khổ, chị Huyền chỉ cười trừ. Chị tự hào “khoe” rằng, chính niềm tin yêu của nhân dân, thấy họ hưởng ứng những kế hoạch, sáng kiến của mình là động lực giúp chị không ngừng nỗ lực mỗi ngày.
“Có nhiều lần, tôi đeo khẩu trang nhưng người dân vẫn nhận ra, ai cũng tươi cười chào hỏi. Thậm chí, nhiều chủ tiệm kinh doanh đêm còn mời tôi và các cộng sự vào ăn tối vì thấy đoàn vất vả quá”, chị Huyền tâm sự.
Cũng theo lời chị Huyền, vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước, nên ngay từ khi còn nhỏ, chị đã thấm nhuần tư tưởng phụng sự vì nhân dân. Trong cả sự nghiệp của mình, vị nữ cán bộ phường chỉ mong người dân của mình được an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc.
Chị Đặng Ngọc Phương, tổ dân phố số 7, phường Hàng Bài chia sẻ: “Chị Huyền là một cán bộ xông xáo, nhiệt tình, năng nổ, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Không quản ngày đêm, khi nào cần là thấy chị Huyền có mặt. Khi có sáng kiến, phương pháp mới, chị Huyền cũng tận tình hướng dẫn chúng tôi và kiểm tra thường xuyên”.
Người phụ nữ tâm huyết với công tác phòng cháy, chữa cháy
Chỉ cần nhắc đến hai chữ “phòng cháy”, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền bỗng hào hứng hơn cả. Suốt nhiều năm qua, chị đã có không ít sáng kiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy được công nhận, áp dụng thực tế. Chị Huyền cũng vừa trở thành cá nhân duy nhất của TP Hà Nội được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích đột xuất trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Mới đây nhất, là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác PCCC&CNCH.
Kể về những sáng kiến của mình, chị Huyền đặc biệt say sưa: “Mô hình 'Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ' là mô hình tôi tâm đắc nhất, được triển khai thực hiện từ tháng 3/2021, mục tiêu là vận động 100% các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy và tạo lối thoát nạn thứ 2 tại logia, ban công tại 17 khu nhà tập thể trên địa bàn. Tôi đã cùng các lực lượng của đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, các lực lượng chức năng đến từng địa bàn, khảo sát đặc điểm từng căn hộ gia đình tại các khu tập thể, số nhà đông hộ... để tuyên truyền dưới nhiều hình thức”.
Không chỉ vậy, nữ cán bộ phường từng được giao nhiệm vụ phụ trách PCCC tại phường Hàng Bài còn có rất nhiều sáng kiến khác. Nói về bất kỳ mô hình nào, chị đều không cần đến tài liệu, như: Mô hình ký kết thi đua “Tổ dân phố đạt chuẩn an toàn PCCC&CNCH” trên địa bàn phường Hàng Bài; mô hình “Tiếng kẻng 114”; mô hình đội tuyên truyền viên PCCC&CNCH tại các tổ dân phố; Chương trình trải nghiệm “Chúng em là Lính cứu hỏa” trong thanh thiếu nhi trên địa bàn...
Chị Huyền tâm sự: “Chính những mất mát đau thương trong nhiều vụ hỏa hoạn đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để thay đổi tình hình. Chứng kiến những gia đình mất đi người thân, thậm chí có người còn đang mang thai ra đi vĩnh viễn vì không thể thoát cháy, tôi không kìm được nước mắt. Cũng từ đó, tôi hiểu rằng, việc trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn là vô cùng cần thiết”.
Cũng theo chị Huyền, mình đã cùng lực lượng chức năng thử từng loại thang dây, để tìm hiểu xem loại nào phù hợp với địa hình từng nhà, với lứa tuổi từng người. “Có những loại dây chỉ phù hợp với người có tay khỏe, nắm chắc, nhưng với người lớn tuổi hoặc trẻ em, phải có loại dây khác phù hợp hơn”, chị Huyền chia sẻ.
Để có cơ sở xây dựng sáng kiến, nữ cán bộ phường đã tìm đọc nhiều tài liệu về phòng cháy, chữa cháy, rút kinh nghiệm từ những vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Đồng thời, trao đổi, xin tư vấn từ đội ngũ chuyên môn để có hướng đi phù hợp, thiết thực và khả thi. Với chị Huyền, kế hoạch nào đặt ra đều phải cố gắng hoàn thành bằng được, nhất là với những điều liên quan đến sự an toàn của người dân.
Trong căn nhà nhỏ tại phố Hàng Giấy, chiếc bàn làm việc của chị Huyền được dành riêng một góc để hồ sơ nghiên cứu về phòng cháy, chữa cháy. Hiện tại, dù đã chuyển công tác và không còn trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, nhưng chị Huyền vẫn nhiệt tình hỗ trợ các cán bộ khác khi cần. Chị nói vui rằng mình vẫn “nặng lòng” với công tác chống “giặc lửa” và vẫn sẽ tiếp tục cống hiến trong thời gian tới.
Nâng niu trên tay tấm Bằng khen danh giá, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền vẫn chưa hết bồi hồi với vinh dự vừa đạt được. “Những cống hiến của tôi vẫn chưa thể nào sánh bằng những vất vả, hy sinh của bao người làm công tác phòng cháy, chữa cháy khác. Bằng khen vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là lời nhắc nhở bản thân tôi về trách nhiệm và tinh thần cố gắng hơn nữa”, chị Huyền xúc động.