Bài 1: Ứng dụng công nghệ số hiệu quả
Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê và yêu cầu công việc hằng ngày, các kỹ sư ngành nước tại TP Hồ Chí Minh đã mày mò, tìm ra nhiều sáng chế để đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cộng đồng.
Rút ngắn thời gian
Xuất phát điểm là một nhân viên ngành thiết kế, nhưng niềm đam mê làm lập trình đã đưa chị Dương Thị Ngọc Hân đến với ngành cấp nước. Hiện chị là Trưởng phòng của Phòng Công nghệ thông tin- Công ty CP Cấp nước Trung An (trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV).
Năm 2014, chị Ngọc Hân vào làm việc tại Công ty CP Cấp nước Trung An với vị trí sửa chữa, khắc phục các sự cố máy tính. Khi đó, đa số hoạt động của công ty còn làm thủ công, nên có nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, công ty đã thành lập tổ phát triển. Là kỹ sư công nghệ thông tin, chị Hân chủ động tham gia vào tổ phát triển, được công ty tạo điều kiện học thêm về kỹ năng lập trình. Cũng từ đây, sự nghiệp của chị có bước tiến lớn.
Chị Ngọc Hân cho biết, sau khi gia nhập tổ phát triển, chị và đồng nghiệp đã cho ra đời 8 ứng dụng phần mềm phục vụ công tác xử lý sự cố, giảm thất thoát nước, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Mỗi sáng kiến đều làm lợi hàng trăm triệu đồng, đến hàng tỷ đồng cho công ty, như: "Ứng dụng tin nhắn Notification miễn phí qua App MyTawaco"; "Phần mềm xử lý sự cố trực tuyến"… Trong đó, "Ứng dụng thay đồng hồ nước" ra đời năm 2020 khiến chị tâm đắc và dành nhiều tâm huyết để thực hiện.
"Hằng năm, công ty đều có kế hoạch thay đồng hồ nước cho khách hàng. Trước đây, quá trình này được làm thủ công, nhân viên phải đến văn phòng lấy danh sách, sau đó tiếp cận khách hàng để thay. Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, do vị trí của đồng hồ nước khó tiếp cận, khó liên hệ khách hàng do nhà đổi chủ, cho thuê… Những điều này làm tăng nguy cơ thất thoát nước và mất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi và đồng nghiệp sáng chế ra ứng dụng thay đồng hồ nước", chị Ngọc Hân chia sẻ.
Với ứng dụng này, nhân viên có thể tiếp nhận thông tin thay đồng hồ nước trên điện thoại ở bất cứ đâu và có thể xử lý ngay tại chỗ. Việc này vừa rút ngắn thời gian, vừa giảm bớt quá trình đi lại cho nhân viên ngành nước. Không chỉ vậy, ứng dụng cũng xác định chính xác vị trí đồng hồ nước cần thay, thông qua hệ thống Quản lý dữ liệu địa lý GIS. Sáng kiến này đã giúp công ty tiết kiệm trên 300 triệu đồng/năm.
Với chị Ngọc Hân, mỗi sáng kiến không chỉ là một đứa con tinh thần, mà còn là niềm vui, động lực, hạnh phúc trong công việc. Vì vậy, hàng ngày, chị cùng đồng nghiệp vẫn tiếp tục nghiên cứu công nghệ để ứng dụng hiệu quả vào công việc.
Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Giám đốc CTCP Cấp nước Trung An cho biết, phong trào phát huy sáng kiến đã được công ty duy trì nhiều năm qua. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, phong trào này phát triển mạnh mẽ với 59 sáng kiến được công nhận và chị Ngọc Hân là điển hình trong phong trào đó. Những sáng kiến của chị đa phần được ứng dụng vào công việc, để giúp công ty tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp khách hàng không phải đi lại nhiều lần khi lên công ty thay lắp đồng hồ nước.
Hướng đến khách hàng
Đầu tháng 8, chị Lê Ngọc Loan (ngụ ở huyện Nhà Bè) đã liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng CTCP cấp nước Nhà Bè và được nhân viên giới thiệu cài đặt app của ngành cấp nước - CSKH.NBW. Sau khi cài app và được các nhân viên hướng dẫn, chị Loan đã dễ dàng đăng ký định mức nước cho 2 người thân đến ở tại nhà mình.
Chị Ngọc Loan cho biết, ứng dụng đăng ký định mức trực tuyến đã giúp chị không phải mang hồ sơ tới công ty cấp nước, thực hiện các bước bốc số thứ tự và chờ đợi đến lượt làm hồ sơ khai báo như trước kia. Chỉ cần vài lần nhấp chuột, giờ đây chị có thể hoàn thành bộ hồ sơ đăng ký định mức nước cho người thân, gia đình...
Theo đại diện Công ty CP cấp nước Nhà Bè, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 31.300 người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến thông qua các kênh Web, App, Zalo của Cấp nước Nhà Bè.
Và đây là hiệu quả của sáng kiến “Xây dựng công cụ đăng ký định mức online, ứng dụng đồng bộ hệ thống mã định danh đơn vị và tổng công ty”, một trong rất nhiều sáng kiến hiệu quả của kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng (Phòng Công nghệ thông tin Cấp nước Nhà Bè).
Kỹ sư Nguyễn Minh Hoàng cho biết, giữa năm 2022, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV ban hành kế hoạch thu nhập mã định danh và quản lý định mức nước của khách hàng để phù hợp với Luật Cư trú và Luật Căn cước công dân. Do đó, công ty cho toàn bộ khách hàng đăng ký lại định mức công dân. Vì vậy, anh cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào việc thu thập mã định danh và quản lý định mức nước của khách hàng, nhằm đem lại lợi ích lớn cho khách hàng lẫn công ty.
Ứng dụng hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng ra đời đã giúp giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc cung cấp nước (thông tin về giá nước, định mức, chỉ số tiêu thụ) bằng chatbot, email marketing... giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc chăm sóc khách hàng, cũng như chuyển tải thông tin đến khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Hoặc như sáng kiến “Xây dựng công cụ đăng ký định mức online, ứng dụng đồng bộ hệ thống mã định danh đơn vị và Tổng công ty” đã mang lại nguồn lợi và tiết kiệm chi phí lớn cho công ty. Sáng kiến này đã góp phần giảm tải và tránh trường hợp ùn ứ khách hàng phải chờ làm thủ tục định mức trực tiếp tại quầy; góp phần đạt mục tiêu 70% số định danh cá nhân, số nhân khẩu đã cấp định mức nước sinh hoạt theo kế hoạch mà Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đặt ra.
"Với “Chương trình Dashboard phân tích báo cáo số liệu sản xuất, kinh doanh”, tôi giúp công ty xây dựng một hệ thống báo cáo số liệu kinh doanh hằng ngày một cách chuyên nghiệp. Số liệu báo cáo chính xác, đầy đủ, thay cho báo cáo theo phương thức truyền thống như báo cáo giấy, báo cáo sổ. Giải pháp này đã giúp tiết kiệm số giờ công lao động và hàng tỷ đồng văn phòng phẩm mỗi năm", anh Minh Hoàng cho biết thêm.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Nguyễn Minh Hoàng cho biết, sắp tới, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, viết những phần mềm đề xuất các giải pháp để phục vụ tốt nhất nhu cầu chuyển đổi số tại đơn vị.
Ông Lý Thành Tài, Giám đốc Công ty cấp nước Nhà Bè đánh giá: “Những sáng kiến của anh Hoàng xuất phát từ sự đam mê, yêu nghề, mong muốn được cống hiến, phục vụ cho đơn vị và cộng đồng. Không dừng lại ở đó, anh Hoàng luôn tìm tòi, học hỏi để trau dồi kiến thức cho bản thân và dìu dắt lớp thợ trẻ, đồng nghiệp, qua đó lan tỏa phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần phục vụ và mang lại lợi ích thiết thực cho công ty”.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng là giải thưởng cấp thành phố, tôn vinh những công nhân, kỹ sư có nhiều sáng kiến cải tiến nổi bật, làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp.
Các cá nhân tiêu biểu được xét chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 gồm:
Ông Phan Văn Điền, kỹ sư an toàn chuyên trách, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quang Duy Lâm, Trưởng phòng sản xuất, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I); ông Võ Sỹ Danh, cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 4; ông Đỗ Thành Trung, Trưởng phòng Cải tiến Quy trình Sản xuất, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh); ông Trần Tiến Đạt, Trưởng nhóm Bảo trì và Dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC nhà máy Unilever (KCN Tây Bắc Củ Chi); ông Nguyễn Thành Long, kỹ sư hóa, Công ty CP Cao su Bến Thành (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn); ông Cao Minh Chánh, kỹ sư Điện tử truyền thông Công ty TNHH Intel Products Vietnam; bà Dương Thị Ngọc Hân, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty CP cấp nước Trung An (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn); ông Nguyễn Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng, Phòng Công nghệ thông tin Công ty CP Cấp nước Nhà Bè (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn); bà Phùng Thị Hữu Hạnh, Giám đốc Xưởng Chế biến thực phẩm, Công ty CP Thực phẩm Cholimex; ông Nguyễn Hoàng Duy Lưu, kỹ sư Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao; ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Jabil Việt Nam, Khu Công nghệ cao TPHCM; ông Lê Quang Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM; ông Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, Chi nhánh Công ty CP TICO – Công ty CP TICO; ông Trần Đình Vũ, nhân viên Marketing Xí nghiệp Bao bì Liksin (Tổng Công ty Liksin).
Bài 2: Đảm bảo dòng điện an toàn cho dân