Trở về quê hương sau khi đất nước thống nhất, năm 1975, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiển, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, bắt đầu bước vào một trận chiến mới không kém phần ác liệt, gian khó là khôi phục xóm làng, dựng xây cuộc sống. Ông Hiển và các đồng đội đều có chung suy nghĩ, mỗi người một ngành, nghề, lựa chọn cho mình một hướng đi riêng để phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ đồng chí, đồng đội, con em cựu thanh niên xung phong và giúp nhân dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Trên diện tích 1,5 ha, bằng ý chí và quyết tâm được tôi luyện nơi chiến trường, ông Hiển đã từng bước cải tạo đất, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt đẻ trứng, nuôi lợn thương phẩm và đào ao thả cá. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, ông không nản lòng trước những khó khăn gặp phải trong cả quá trình xây dựng. Hiện trang trại của gia đình ông đã hoàn thiện, cho thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm, không chỉ tạo việc làm cho gia đình mà còn cả lao động của địa phương, con em đồng đội năm xưa.
Toàn huyện Đông Anh có 12 mô hình trang trại của hội viên cựu thanh niên xung phong phát triển kinh tế giỏi. Những hạt nhân này đang là địa điểm để các hội viên cựu thanh niên xung phong học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trong tiết thu, bên ấm trà tỏa hương sen dìu dịu, thương binh Phạm Quang Hiệp, hiện là Phó Chánh Văn phòng, Phó ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội nhớ lại ngày đầu nhập ngũ vào đầu năm 1972, khi ông vừa bước sang tuổi 18. Ông xung phong vào miền Nam chiến đấu, vượt hàng nghìn km với muôn vàn gian khổ, hiểm nguy, đồng đội vơi dần vì sốt rét ác tính, vì hy sinh trên đường hành quân. Kỷ niệm về những trận chiến, gương mặt của từng đồng đội vẫn in đậm trong tâm trí ông và luôn khiến ông bồi hồi.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đơn vị của ông Hiệp lại tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau này, ông được cử ra Bắc học Trường Sỹ quan Chính trị rồi được điều về Sư đoàn Bộ binh 301, Quân khu Thủ đô. Từ năm 2012 đến nay, ông Hiệp tham gia Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.
“Tôi may mắn còn sống, được trở về sau chiến tranh nhưng đồng đội của tôi có rất nhiều người hy sinh đến nay chưa tìm thấy mộ. Tôi đã tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại đơn vị chiến đấu ở Quân khu 9 để vơi bớt phần nào nỗi khắc khoải, trăn trở của mình. Đã có hàng chục hài cốt Anh hùng liệt sĩ được tìm thấy và trở về với gia đình, quê hương, phần nào làm dịu đi nỗi đau chiến tranh mang lại”, ông Phạm Quang Hiệp trầm ngâm.
Sau chiến tranh, ông trở về Hà Nội, nơi sinh ra, lớn lên và bước vào cuộc đời binh nghiệp. Gặp lại đồng đội cũ, người còn, người mất, cũng có người thành đạt, từng giữ cương vị quan trọng trong các bộ, ngành, nhưng ông Hiệp vẫn đau đáu khi thấy có người cuộc sống còn khó khăn với thương tật, bệnh tật sức khỏe suy giảm. Tuy điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ vẫn luôn vượt lên số phận, sống vì mọi người và không quên đồng đội.
Với những người lính Thủ đô, dù thời chiến hay thời bình, cả khi tại ngũ cũng như khi về với đời thường, họ luôn giữ được nét tài hoa và sự vô tư. Hơn thế nữa, họ luôn biết vượt qua những thăng trầm của số phận và truyền được cảm hứng, niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. “Tôi luôn tự hào đã từng là người lính của Lực lượng vũ trang Thủ đô”, người cựu chiến binh già Phạm Quang Hiệp xúc động chia sẻ.
Hưởng ứng phong trào do Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Nội phát động, các cấp Hội ở 30 quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố đã có trên 2.300 hội viên cựu thanh niên xung phong tham gia phong trào giúp nhau làm kinh tế, thành lập được 115 cụm làm kinh tế thu hút trên 1.400 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động. Các gia đình cựu thanh niên xung phong tự nguyện đăng ký mô hình “Gia đình cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi” đã phát huy khả năng các hội viên trong việc đẩy mạnh sản xuất, làm kinh tế gia đình giỏi, góp phần vào phong trào phát triển sản xuất, làm giàu của địa phương.
Qua sự hỗ trợ của các đồng chí, đồng đội, hàng trăm gia đình hội viên diện nghèo đã thoát nghèo, hàng trăm gia đình khó khăn đạt hiệu quả tốt nhờ phong trào “Gia đình Cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo”.
Từ bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế. Với họ, làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương, mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vươn lên, không sợ thất bại cũng không trông chờ, ỷ lại. Đây chính là những phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ.