Trải bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh một thuở nổi tiếng cả nước đã có lúc đi vào quên lãng và nghề quý của cha ông dần mai một. Mặc dù vậy, hiện nay, nơi đây vẫn có những con người cống hiến cả tuổi trẻ cho gốm, giữ và tiếp lửa truyền thống của cha ông.
Duyên nợ với đấtMột ngày cuối năm, về huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chúng tôi tìm về làng gốm Hương Canh, hỏi thăm nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. Khi được hỏi, ai ai ở làng gốm Hương Canh cũng tấm tắc khen: “Hồng Quang là người đã làm sống lại một làng nghề truyền thống bằng các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Anh có công đem lại sức sống mới cho sản phẩm gốm Hương Canh”.
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang say mê sáng tác bên tác phẩm gốm sành. |
Không kịp chuyển mình để bắt kịp với thị hiếu và cơ chế thị trường, làng gốm Hương Canh nổi tiếng ngày nào tấp nập buôn bán, giờ trở nên yên ắng. Những chuyến xe đến và đi để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ giờ chỉ là dĩ vãng. Cả làng Hương Canh giờ chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang cho biết: Làng gốm Hương Canh hình thành và phát triển cách đây hơn 300 năm, nổi tiếng với những sản phẩm như: chum, vại, nồi niêu, ấm chén… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, gốm Hương Canh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường. Nghề làm gốm truyền thống vì thế cứ dần mai một. Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, chuyển sang sản xuất ngói, nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi kinh doanh khó khăn, hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa.
Tình yêu với nghệ thuật gốm thôi thúc Hồng Quang lựa chọn và thi đỗ vào Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, anh Quang luôn trăn trở làm sao để gốm Hương Canh có thể vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm tòi và học tập mô hình của nhiều làng gốm, anh Quang nung nấu quyết tâm: Phải khoác cho cái chum, cái vại Hương Canh một bộ áo mới, tinh tế và có hồn hơn.
Với quyết tâm cháy bỏng khôi phục nghề quê hương, anh Quang bắt tay làm gốm mỹ thuật. Vốn được kế thừa kỹ thuật làm gốm của gia đình, lại có kiến thức được đào tạo bài bản, được sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của người cha, tay nghề của anh Quang nhanh chóng được nâng cao.
Khoác "áo mới" cho gốm Hương Canh
Lúc mới ra trường, anh Quang cùng với gia đình phát triển các sản phẩm truyền thống của gốm Hương Canh như chum, vại, sành, tiểu… theo nhu cầu của thị trường. Anh Quang mạnh dạn đầu tư lò nung bằng ga để nung các các sản phẩm truyền thống, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa đạt hiệu quả cao từ 95 - 100%.
Các sản phẩm gốm tạo hình của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. |
Cùng với đó, anh Quang mày mò học hỏi kinh nghiệp từ bố, mẹ, những bậc già làng trưởng bối trong làng để gây dựng lại cách đốt lò gốm thủ công để phục vụ cho các sản phẩm gốm sành mỹ thuật.
Theo anh Quang, cái khó nhất của người làm gốm mỹ thuật là nhìn ra nét đẹp riêng của gốm và tìm cách sáng tạo ra được nét đẹp đó. Để có một tác phẩm nghệ thuật gốm làm mỹ thuật đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên trì bởi nó trải qua những công đoạn rất cầu kỳ và hoàn toàn bằng thủ công. Trước tiên, phải có ý tưởng tạo hình, hoa văn. Công đoạn tiếp theo là tạo hình trên đất. Sau khi hoàn thành phải đem phơi nắng, công đoạn này tạo độ bền cho sản phẩm. Khâu cuối cùng nhưng cũng hết sức quan trọng là nung gốm, người thợ phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để có màu gốm đẹp và sản phẩm không bị nứt, vỡ.
Đưa tay chỉ về chiếc kệ trưng bày hàng loạt các sản phẩm gốm, anh Quang chia sẻ: Do đặc thù về chất đất, gốm Hương Canh thường có hai màu cơ bản là màu đỏ và màu nâu. Nếu đốt lò ở nhiệt độ khoảng 1.000 – 1.100 độ C sẽ có được màu đỏ, còn đốt lò ở nhiệt độ trên 1.250 độ sẽ được màu đen.
Các sản phẩm gốm tạo hình của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. |
Anh Quang cho biết, gốm Hương Canh là loại gốm sành, không dùng men, nên kỹ thuật điêu khắc giúp người thợ dễ “thổi hồn” vào sản phẩm thông qua các hình khối, chi tiết đắp nổi, tận dụng hiệu ứng ánh sáng tự nhiên. Nhờ kỹ thuật điêu khắc, các sản phẩm đồ dùng hằng ngày như chiếc bình hoa, bộ ấm chén, chum sành đều có vẻ đẹp riêng. Khi đưa ra thị trường, sản phẩm của anh tiêu thụ ngày càng nhiều dù giá bán luôn cao hơn sản phẩm cùng loại từ các lò gốm cùng làng.
Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... Với màu đất, kiểu dáng và thấp thoáng hình bóng quê nhà trên từng thân gốm, sản phẩm của Hương Canh giúp người tiêu dùng có những phút giây trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng…
Khi sản phẩm chủ lực của gia đình có đầu ra ổn định, anh Quang tiếp tục đầu tư, tập trung sản xuất cho dòng gốm mỹ nghệ, ứng dụng vào trang trí nội thất. Vừa bán thử nghiệm trên thị trường, anh Quang đưa sản phẩm tham gia nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn. Nhiều giải thưởng, danh hiệu giành được với sản phẩm gốm sành mỹ thuật đã giúp cho sản phẩm của anh Quang ngày càng có tiếng trong giới nghệ thuật. Dòng sản phẩm gốm sành mỹ thuật của gia đình Quang được nhiều người tìm đến mua về để sử dụng, trang trí. Cơ sở gốm của anh Quang hiện tạo ra hàng chục mẫu mã, sản phẩm khác nhau với chất lượng cao, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, xưởng gốm của anh Quang là điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều bạn trẻ yêu thích nghề gốm và là điểm du lịch của nhiều du khách yêu thích sự trải nghiệm.
Sau những thành công đã có, Hồng Quang đang ấp ủ mong muốn mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộn mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó tạo tiền đề gây dựng lại thương hiệu làng gốm Hương Canh vang tiếng một thời.