Xuất phát từ sự gửi gắm của đồng đội, phải giúp người khi đất nước độc lập, dù tuổi đã lớn ông Dân vẫn nhiệt tâm làm từ thiện, lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng, xã hội.
Cơ duyên làm từ thiện
Ông Dân tâm sự: “Người lính khi ra chiến trường xác định là sẽ hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống và tôi đã chứng kiến điều đó. Tôi may mắn vẫn còn sống, để chứng kiến đất nước thống nhất và phát triển giàu đẹp. Chính vì vậy, dù ở thời bình, tôi vẫn luôn cống hiến sức mọn của mình cho đất nước, dùng tình thương để giúp đỡ những trẻ em nghèo, các gia đình khó khăn, bất hạnh”.
Năm 1964, ông Nguyễn Tiến Dân nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Khi đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ học ở miền Bắc. Trở về Đà Nẵng, ông Dân đã công tác ở nhiều đơn vị báo chí. Hiện ông đang làm phóng viên thường trú của Tạp chí Văn hóa và Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên.
Kể về cơ duyên làm từ thiện, ông Dân bồi hồi cho biết: “Lúc còn chiến đấu chiến trường Khu 5, người bạn, đồng đội của tôi trong lúc bị thương nặng có nhờ: 'Sau khi độc lập thống nhất Tổ quốc, nếu còn sống, thì phải giúp đỡ cho những học sinh nghèo, đừng để chúng mù chữ'. Di nguyện đó mãi trong tâm trí tôi, cho đến năm 2000, trong quá trình làm nghề báo, tôi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn và nung nấu ý định làm từ thiện”.
Lúc mới bắt đầu làm từ thiện, chưa có nguồn tài trợ, ông Dân đã đến các nhà hàng của thành phố Đà Nẵng để vận động chủ quán bán lon bia, nước ngọt, gom tiền mua sách vở cho học sinh nghèo. Với sự nhiệt huyết của mình, ông đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cửa hàng. Cùng với tiền lương thương binh, tiền tuổi Đảng, nhuận bút của mình… ông Dân đã thực hiện những chuyến đi thiện nguyện đầu tiên, đến với các vùng quê miền Trung, nơi các học sinh nghèo còn thiếu sách vở, áo quần.
“Khi mới làm từ thiện, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều người dân không biết mình là ai, vì sao lại đi làm từ thiện. Phải có thời gian vận động thuyết phục và chứng minh bằng việc làm thực tế, dần dần các nhà hảo tâm tin tưởng, đồng sức, đồng lòng ủng hộ”, ông Dân kể.
Hạnh phúc khi trả nghĩa cho đời
Trong quá trình làm từ thiện, ông Dân luôn quan niệm phải luôn rõ ràng, minh bạch từ số tiền từ thiện, cho đến cách trao quà đến tay người nhận.
“Khi kêu gọi quyên góp ủng hộ của mọi người, tôi luôn đề cao tính minh bạch. Sau khi nhận tiền, hiện vật của mạnh thường quân, tôi sẽ viết thư cảm ơn, công khai rõ số tiền. Đặc biệt, không nhận quà, hay ở lại ăn cơm của người dân”, ông Dân nói.
Chính bởi vì cách làm rành mạch, rõ ràng, uy tín như vậy, nên ông Dân luôn nhận nhiều sự quan tâm, quyên góp từ nhiều cá nhân, tổ chức. Có năm số tiền ủng hộ từ thiện gửi đến ông lên đến con số 1,4 tỷ đồng.
Trong 22 năm qua, ông Dân đã tiếp sức đến trường cho không biết bao nhiêu học sinh, sinh viên khó khăn vươn lên trong học tập.
Như trường hợp em Phạm Thu Thảo (cựu học sinh của Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên, thành phố Đà Nẵng) mồ côi mẹ, ba đi bước nữa, em phải sống với bà ngoại. Khi còn học, Thảo phải làm thêm ngoài giờ để lo chi phí học tập, sinh hoạt. Nắm được hoàn cảnh của em Thảo, ông Dân đã lặng thầm hỗ trợ, chu cấp cho Thảo 900.000 đồng mỗi tháng.
“Tuy giúp em Thảo cho đến khi học Cao đẳng, nhưng đến nay tôi vẫn chưa gặp mặt em lần nào. Số tiền hỗ trợ em, tôi trích từ tiền nhận trợ cấp thương binh và nhờ nhà trường gửi đến cho em”, ông Dân chia sẻ.
Mỗi năm, ông Dân thực hiện khoảng 10 chuyến thiện nguyện, lặn lội đến các vùng quê, gặp gỡ những số phận không may mắn để trao gửi tình thương, lòng nhân ái.
Ông Dân kể: “Nhiều chuyến đi từ thiện phải vượt qua các địa hình khó khăn, xe không thể đi vào được, phải đi bộ xuyên rừng để đến nơi. Đáng nhớ nhất là chuyến đi đến làm từ thiện tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi phải di chuyển bằng thuyền độc mộc qua hồ lớn. Sau đó đi bộ 4km mới đến được nơi trao quà. Mệt mỏi, kiệt sức, nhưng khi được gặp đồng bào, các em nhỏ nghèo để trao gửi yêu thương, tôi cảm thấy rất vui”.
Dù cực khổ, khó khăn là vậy, nhưng ông chưa từng có ý định dừng lại việc đi từ thiện. “Với tôi việc làm từ thiện cũng chút lòng thơm thảo trả nghĩa cuộc đời. Mỗi lần hoàn thành một chuyến đi, tôi rất hạnh phúc, và cố gắng hơn nữa để đến với nhiều mảnh đời khó khăn khác”, ông Dân tâm sự.
Giúp đời với nhiều việc làm ý nghĩa
Năm 2017, ông Dân thành tâm đồng ý ký vào giấy hiến thi hài cho khoa học khi trái tim ngừng đập và đã được Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng làm thủ tục tiếp nhận.
Ông Dân nói: “Cái chết không phải là sự kết thúc mà nó chính là khởi đầu cho sự sống mới. Sống là cho đi, chết là hiến dâng cho khoa học để cứu người. Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì, vì vậy tôi muốn hiến xác thân cuối cùng của mình cho ngành Y”.
Trong thời gian dịch COVID-19, ông Dân đã vận động bạn bè, người quen và dùng tiền của mình để hỗ trợ kinh phí mua và phát hơn 2.000 khẩu trang cho người nghèo, sinh viên trên địa bàn quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng); kêu gọi được mọi người ủng hộ 4 tấn gạo tặng người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi; tham gia trong Tổ phòng, chống COVID cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà kêu gọi mọi người chấp hành nghiêm công tác phòng dịch.
Ông Dân cũng nhiệt thành ủng hộ để “Góp đá xây Trường Sa”; tích cực tham gia việc tìm kiếm, giúp đỡ đưa hài cốt liệt sỹ về với gia đình…
“Ngày nào còn sống, còn khỏe thì tôi còn đi, còn tìm đến những mảnh đời khó khăn để giúp đỡ. Tôi mong việc làm của tôi có thể lan tỏa khắp xã hội, để mọi người cùng có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh,” ông Dân chia sẻ.
Với những việc làm từ thiện của mình, ông Nguyễn Tiến Dân đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”; Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015”…