Người chắp nối mảnh vụn thành yêu thương

Hàng nghìn tấm mền (chăn) mang hơi ấm tình người được “phù phép” từ những mẩu vải vụn, vải thừa đã được gửi đến những người nghèo là kỳ tích của bà Phan Thị Ngọc (77 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hơn 10 năm ròng, bên chiếc máy khâu cũ kỹ, cụ bà gần 80 tuổi này cần mẫn chắp nối những mảnh vụn thành những yêu thương như thế.

Hơn 10 năm mải miết may mền

Chú thích ảnh
 Bà Phan Thị Ngọc bên chiếc máy khâu may chăn tặng người nghèo.

Ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa hay nắng, người dân trong con hẻm 192 đường Phan Văn Hân, Phường 17, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đều nghe thấy tiếng máy khâu quen thuộc vang lên từ ngôi nhà nhỏ của bà Phan Thị Ngọc. Hôm nào không nghe tiếng máy khâu là người ta biết ngày đó bà Ngọc bận đi làm từ thiện. Bà Ngọc thương người nghèo, hay đi làm từ thiện, hay giúp người nên những người dân trong hẻm rất quý mến và gọi bà bằng cái tên thân mật - dì Tư.

Đến thăm nhà bà Phan Thị Ngọc, căn nhà nhỏ chỉ mấy chục mét vuông nhưng chất rất nhiều vải cuộn, vải vụn và mền thành phẩm. Phòng khách không còn chỗ để bàn ghế, nhường chỗ cho vải và mền. Ngay cả giường ngủ của dì Tư cũng chất đầy vải. Không nhớ mình bắt đầu may mền từ lúc nào, bà Ngọc chỉ nhớ trong một lần về thăm quê nhà ở tỉnh Tiền Giang vào khoảng 10 năm trước, chứng kiến cảnh nhiều người dân nghèo không có nổi cái áo, cái quần tử tế để mặc, bà chạnh lòng.

Vốn biết may vá từ bé, khi trở lại Thành phố, bà bắt đầu suy nghĩ đến việc may đồ tặng người nghèo. Nghĩ là làm, bà tích cóp tiền đi mua vải cuộn về may đồ nhưng lại gặp rắc rối vì bị người ta “chê”. “Mỗi người có một kích cỡ khác nhau, sở thích khác nhau nên khi tôi tặng áo quần, một số người không thích, họ thích cho tiền để tự mua nhưng mình làm gì có tiền mà cho”, bà kể về những ngày đầu với nghiệp “may vá” từ thiện.

Cơ duyên để bà Phan Thị Ngọc chuyển sang may mền là trong một lần con gái của bà tham gia thiện nguyện ở một tỉnh Tây Nguyên. Sau chuyến đi, chị kể với bà về những thiếu thốn của người dân tộc thiểu số nơi đó. Đặc biệt họ rất cần những tấm mền để chống chọi với cái giá lạnh miền sơn cước. Thế là bà chuyển sang may mền và những tấm mền của bà được người ta đón nhận, trân trọng.

Để tiết kiệm chi phí mua vải, bà đến các tiệm may nhỏ xung quanh khu vực mình sống xin vải vụn ráp nối với nhau và may thành những tấm mền ấm áp. Hồi đó, có khi 5-6 ngày, bà mới may xong một cái mền bởi công đoạn chắp, nối vải vụn mất khá nhiều thời gian. Nhưng nhờ thế mà mỗi tấm mền lại là một phiên bản duy nhất, không “đụng hàng” và mang màu sắc riêng. Qua bàn tay của bà, những miếng vải vụn tưởng chừng như vô nghĩa đã trở thành những chiếc mền mang hơi ấm của tình người.

Khi các tiệm may gần nhà bắt đầu hết vải vụn, bà lại tìm đến các doanh nghiệp may lớn để xin vải thừa, vải lỗi. Bà cho biết: “Ban đầu, người ta cũng chỉ cho vải vụn nhưng lâu dần họ cho luôn mình cả cuộn vải lớn, may nhanh mà sướng lắm”. 

Nhà nhỏ nên cứ may được dăm chục tấm mền là bà lại đưa đi tặng người nghèo. Hễ nghe tin ở đâu cần mền, ở đâu mới vừa trải qua mưa bão, lũ lụt là bà lại góp mền gửi tặng, xem như “của ít lòng nhiều”.

Làm từ thiện là niềm vui cuối đời

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Ngọc và một Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 17 chuẩn bị mang chăn đi tặng người nghèo. 

- Vải đâu ra mà đẹp quá dì Tư ơi!
- Người ta mới mang đến cho đấy. Vải này may mền đắp ấm lắm.
- Dì còn nhiều mền không?
- Dì còn chừng 50 cái.
- Dì cho con xin 30 cái tặng cho mấy đứa nhỏ ở lớp học tình thương nhé!
- Ừ, khi nào cần, cứ đến lấy.

Đây là đoạn đối thoại của bà Phan Thị Ngọc và bà Trương Thị Bích Hợp, Hội Phụ nữ Phường 17, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. “Dì Tư lớn tuổi rồi nhưng không ngày nào dì chịu nghỉ ngơi. Mình thương và cảm phục quá nên thỉnh thoảng qua nhà phụ dì một tay, trò chuyện để dì bớt mệt”, bà Hợp chia sẻ.

Theo bà Hợp, không chỉ may mền tặng người nghèo,  bà Ngọc còn âm thầm tích cóp những đồng lương hưu ít ỏi thường xuyên mua quà tặng những đứa trẻ ở lớp học tình thương trên địa bàn phường, mang tiền cho những bệnh nhân đang điều trị trong Bệnh viện Ung bướu. “Rồi hễ nghe tin ở vùng quê nào cầu, đường bị hư khiến trẻ con không đi học được là bà góp khi 50 triệu đồng, khi 70 triệu đồng để sửa sang lại. Đặc biệt, bà còn là “mạnh thường quân”, đồng hành cùng một bé gái 7 tuổi có hoàn cảnh khó khăn từ lúc lọt lòng đến bây giờ”, bà Hợp kể.

Không nói nhiều về mình nhưng bà Phan Thị Ngọc lại hồ hởi khoe: “Phước dì lớn nên mấy đứa con đều ủng hộ mẹ làm từ thiện. Chúng nó còn cho thêm tiền, phụ dì khuân vác vải, gửi mền đi tặng người khó khăn. Hồi trước thấy mẹ may bằng chiếc máy may đạp bằng chân cực khổ quá, thằng con thứ 5 mua mô-tơ điện gắn cho dì may bớt mỏi chân”.

Gần 80 tuổi, giờ đây mắt đã mờ, tay đã yếu, lưng đã mỏi nhưng bà Phan Thị Ngọcvẫn chưa muốn nghỉ may. “Có những ngày mình may một hơi được 2-3 cái mền luôn. May xong thấy vui quá quên hết cả đau lưng”, đôi mắt bà lấp lánh ánh cười. Mộc mạc, chân chất nhưng mang nét hào sảng của người con Nam Bộ, dì Tư Ngọc chia sẻ: “Cuộc sống của mình bây giờ còn sướng hơn nhiều người ngoài kia gấp bội nên làm được gì để giúp họ, mình sẽ cố gắng”. 

Giúp người, làm việc thiện đã trở thành niềm vui sống ở tuổi xế chiều của bà Phan Thị Ngọc. Chị Đỗ Thị Kim Phụng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 17, quận Bình Thạnh nhận xét, chính những việc làm thiết thực, bền bỉ và hiệu quả như của bà Ngọc đã truyền cảm hứng cho các hội viên trong Hội và hơn hết là lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Góp phần lan tỏa yêu thương tới người nghèo
Góp phần lan tỏa yêu thương tới người nghèo

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức Chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội trong 3 năm 2017-2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN