Mở hướng trồng hoa lan công nghệ cao vào Ninh Thuận

Trang trại sản xuất hoa lan theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) của anh Phan Thanh Sang (33 tuổi) đang là điểm được nhiều nông dân, thanh niên khởi nghiệp đến giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm trồng các giống hoa lan nhiệt đới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại cho giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng.

Anh Phan Thanh Sang giới thiệu giống hoa lan Hồ điệp mới được trang trại lai tạo thành công.

Khởi nghiệp từ xứ sở ngàn hoa nhưng anh Phan Thanh Sang (chủ trang trại hoa lan YSA Orchid, phường 9, thành phố Đà Lạt) lại rất hứng thú với các loài hoa lan nhiệt đới.

Năm 2015, sau nhiều lần đi khảo sát tại các nơi, anh Sang quyết định trồng thử nghiệm 1 ha các giống lan nhiệt đới như: Hồ Điệp, Mokara, Dendro, Ngọc điểm tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (vùng đất dưới chân đèo Ngoạn Mục).

Sau một thời gian trồng và chăm sóc, anh Sang nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của các giống lan nhiệt đới. Năm 2016, anh Phan Thanh Sang quyết định đầu tư 15 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại lên 5 ha.

Tại trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn, hoa lan được trồng trong nhà kính, trang bị hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, lắp đặt đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tự động. Quy trình chăm sóc, thu hoạch hoa được áp dụng khoa học. Trang trại đang trồng 200.000 chậu lan Hồ điệp, trên 31.000 cây lan Mokara, 3.000 cây lan Ngọc điểm, 3.000 cây lan Trầm.

Anh Phan Thanh Sang chia sẻ, vùng Lâm Sơn có nhiệt độ lý tưởng, ban đêm từ 21 - 24 độ C, ban ngày trên dưới 30 độ C. Khí hậu ở đây không quá nóng, không quá lạnh phù hợp để trồng lan Hồ điệp. Nếu trồng ở Đà Lạt phải có hệ thống sưởi ấm vào những tháng trời rất lạnh.

Hơn nữa, quá trình sinh trưởng và phát triển của lan Hồ điệp sẽ không bằng trồng ở các vùng có khí hậu ấm nóng. Sau khi trồng cây con từ 15 - 18 tháng, công nhân sẽ vận chuyển cây lên Đà Lạt tiếp tục trồng từ 4 - 5 tháng sẽ cho hoa và xuất bán.

Công nhân vận chuyển lan Hồ điệp đến các khu để tiếp tục chăm sóc.

Các giống lan nhiệt đới như Hồ Điệp, Mokara, lan Trầm, Ngọc điểm trồng không khó. Bởi người trồng chỉ cần tuân thủ theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn về độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh sẽ đạt năng suất cao; trong đó, lan Hồ điệp có nhiều loài với màu sắc đẹp, thường nở và tàn trong vài tháng. Giá bán phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nên được thị trường ưa chuộng nhất là vào dịp lễ, tết, thích hợp làm quà tặng.

Hiện một số giống hoa lan được trang trại tự sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, một số giống Hồ điệp được nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Anh Phan Thanh Sang đang là chủ của 3 trang trại trồng các loại hoa lan tại 3 vùng khí hậu khác nhau với tổng diện tích hơn 10 ha gồm: trang trại tại thành phố Đà Lạt trồng các loại địa lan; trang trại tại xã Đại Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng các giống hoa lan của xứ nóng.

Với niềm đam mê hoa lan từ nhỏ cùng với sự kiên trì học hỏi, biết nắm bắt cơ hội; anh Phan Thanh Sang hiện là tấm gương thanh niên khởi nghiệp thành công. Đến nay, sau hơn 10 năm dành trọn tình yêu cho các loài hoa lan, anh Sang đã tạo dựng được thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid được nhiều người biết đến và yêu thích. Sản phẩm hoa lan của trang trại được bán tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, xuất bán sang thị trường Campuchia với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Hiện ngoài công việc trồng lan, anh Sang đang sưu tầm, nghiên cứu nhân giống các loài lan rừng tại Ninh Thuận, cho lai tạo một số giống lan mới để bảo tồn các giống lan đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Không những làm giàu cho gia đình, anh Phan Thanh Sang tạo việc cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Trên 200.000 chậu lan Hồ điệp của anh Phan Thanh Sang đang được trồng tại trang trại ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Thời gian tới, nông dân ở Ninh Thuận và các tỉnh, thành khác muốn học hỏi kinh nghiệm, có vốn và mong muốn đầu tư, trang trại luôn sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, anh Sang chia sẻ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các bộ phận chuyên môn đang nghiên cứu, phân tích điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để quy hoạch vùng trồng hoa lan gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn trái cây Lâm Sơn để thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Làm giàu nhờ hoa lan Mokara
Làm giàu nhờ hoa lan Mokara

Với diện tích 2.500 mét vuông, vườn hoa lan Mokara của chị Phạm Thị Nhung ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho gia đình chị thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, chị Phạm Thị Nhung đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng hoa lan, trở thành tấm gương điển hình hộ nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN