Lê Thị Trang - Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học

Lê Thị Trang, cô gái Việt Nam duy nhất vừa được Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm (CEPF) vinh danh là một trong 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học”.

Trang đã dành phần lớn thời gian của mình cho việc nghiên cứu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực miền Trung.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Lê Thị Trang giới thiệu dự án "Giảm tiêu thụ động vật hoang dã tại thành phố Đà Nẵng". Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Lê Thị Trang, sinh năm 1986, là kỹ sư môi trường, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng (GreenViet) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Với niềm say mê, yêu quý động, thực vật tự nhiên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Trang đã làm tình nguyện viên cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), là tổ chức môi trường chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Năm 2007, Trang bắt đầu niềm đam mê bảo vệ môi trường, động vật hoang dã với công việc đi điều tra thực trạng săn bắt, buôn bán trái phép, nuôi nhốt các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên, nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu cho công tác bảo tồn động vật hoang dã và báo cáo cho các cơ quan chức năng.

Qua những lần tiếp cận, điều tra, Trang nhận thấy việc ngăn chặn thực trạng trên là một điều rất khó, nếu không có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi trái phép này ngay từ ban đầu, để người dân hiểu, tự giác chấp hành.

Năm 2013, Trang chuyển về làm việc ở Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng (GreenViet) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên thông qua các hoạt động nghiên cứu, giáo dục bảo tồn và phổ biến các giá trị của đa dạng sinh học đến cộng đồng.

Tại đây, cô cùng các cộng sự xây dựng nhiều kế hoạch, thực hiện các chương trình truyền thông cho cộng đồng trong việc thay đổi, nâng cao nhận thức người dân để họ đứng lên, tự bảo vệ tài sản thiên nhiên của mình.

Trong hơn 6 năm qua, nhiều chương trình đã được thực hiện, chuyển tải các thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường, thiên nhiên, động vật hoang dã, không nuôi nhốt, sử dụng thịt động vật hoang dã… được lồng ghép đưa vào các buổi sinh hoạt dân phố tại địa phương; các giờ học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; các buổi triển lãm tranh, ảnh; các buổi trải nghiệm thực tế trên Bán đảo Sơn Trà để người dân trên địa bàn được hiểu rõ và tận mắt nhìn thấy những giá trị về môi trường, động vật hoang dã mà thiên nhiên đang mang lại cho chính nơi các cư dân sinh sống. 

Một số chương trình tiêu biểu Trang tham gia thực hiện như “Hành trình Tôi yêu Sơn Trà” là một trong những chương trình trải nghiệm thiên nhiên đã góp phần thay đổi nhận thức cho trên 2.000 người dân thành phố Đà Nẵng về vẻ đẹp và các giá trị của Bán đảo Sơn Trà cũng như loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Ngoài ra, còn có Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường và sinh thái cho trên 20.000 học sinh và 350 giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Năm 2018, từ sự đóng góp của cộng đồng, Trang và các cộng sự tại GreenViet đã thành lập một Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên, nhằm tuyên truyền, thay đổi, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để hình thành nên lối sống thân thiện với thiên nhiên. Trong hơn 1 năm qua, đã có hơn 5.000 lượt người là các học sinh, sinh viên, người dân và du khách đến tham quan tìm hiểu tại Trung tâm.  

Chị Thu Nga, người dân ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nhận định, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân của chị Trang và Trung tâm GreenViet thực sự bổ ích, cần thiết cho cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của thiên nhiên, động vật hoang dã. Đặc biệt, khu vực rừng Bán đảo Sơn Trà như là một “lá phổi xanh” ở ngay thành phố Đà Nẵng, hàng ngày người dân, du khách thường lên đây tham quan, tận hưởng không gian sống trong lành, được hòa mình vào thiên nhiên và tận mắt thấy những đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm, khỉ, các loài chim hoang dã… là những hoạt động giúp người dân thêm yêu quý và ý thức được việc bảo vệ những gì thiên nhiên ban tặng.

Lê Thị Trang chia sẻ, tính đến nay việc thay đổi nhận thức cho người dân đã thể hiện tích cực, rõ rệt nhất là về Bán đảo Sơn Trà, người dân đã biết về giá trị của rừng Sơn Trà, hình ảnh con voọc chà vá chân nâu được thế giới biết đến với với tên gọi là "Nữ hoàng của các loài linh trưởng". Người dân đã lên tiếng mạnh mẽ khi thấy rừng bị xâm hại, các loài động vật bị săn, bẫy, bắt. Các cơ quan chính quyền thành phố cũng đã đồng hành đưa các hình ảnh về voọc chà vá chân nâu, thiên nhiên Sơn Trà đến các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thiên nhiên, giới thiệu quảng bá về du lịch…

Trong thời gian tới, Trang cùng các cộng sự tại Trung tâm GreenViet sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để tiếp tục kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, thiên nhiên và động vật hoang dã. 

Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng Huỳnh Phước cho biết, chị Lê Thị Trang là một người nhiệt tình, tâm huyết với công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên. Trang cùng với các cộng sự của Trung tâm GreenViet đã có nhiều đóng góp thiết thực cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục trải nghiệm thực tế, sinh động giúp cho cộng đồng hiểu được giá trị thực của việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên; qua đó góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố môi trường".

Với những việc đã làm được, Lê Thị Trang vừa được vinh danh là một trong 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” do Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm bầu chọn ra từ hàng trăm tổ chức xã hội tại các vùng điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu. Đây là giải thưởng uy tín do Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm công bố nhân Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2020 (22/5/2020) và kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ. Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm là chương trình do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) điều phối thực hiện thông qua Nhóm Thực hiện Cấp vùng (RIT).

Trung tâm GreenViet cũng được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” năm 2019.

Trần Lê Lâm (TTXVN)
Ngày Môi trường thế giới năm 2020: Ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam
Ngày Môi trường thế giới năm 2020: Ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2020 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN