Lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên

Nhắc đến cái tên Sang "còi", nhiều đoàn viên thanh niên ở tỉnh Lâm Đồng đều biết và khâm phục anh với tinh thần tự thân lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng.

Trang trại hoa lan của anh Phan Thanh Sang tại Đơn Dương (Lâm Đồng).

Hiện nay ở tuổi 33,  Phan Thanh Sang đã là chủ của nhiều trang trại hoa lan ở tại Lâm Đồng và Ninh Thuận. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia nhiều tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương.

Gặp Sang "còi" tại phòng thí nghiệm của Trang trại hoa lan YSA Orchid Farm, chúng tôi khá bất ngờ trước một chàng trai cao tới 1m73, nặng 80 kg. Sang kể mình có biệt danh là "còi" là do lúc nhỏ do bị còi cọc nên có tên như vậy. Hay cái tên trang trại cũng là tên ghép của 2 vợ chồng Yến - Sang, YSA Orchid Farm nghĩa là “Nông trại hoa lan của Yến - Sang”. Trò chuyện với Sang, chúng tôi được biết anh còn là đại biểu HĐND thành phố, Ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Lạt trong 2 nhiệm kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch hiệp hội Hoa Đà Lạt…

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thành phố Đà Lạt, từ nhỏ Sang “còi” đã sớm có tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ. Năm học lớp 9, Sang được người bạn tặng một giò phong lan. Sau khi mang về chăm sóc, giò lan đã bung hoa rực rỡ, sau đó do cần tiền mua sách vở, Sang phải bán giò lan được 90 ngàn đồng. Đây là một số tiền rất lớn với anh thời điểm đó.

Sau này, những năm là sinh viên Khoa Nông Lâm - Trường Đại học Đà Lạt, nhiều bạn bè cùng trường coi Sang như người “lập dị”, khi ngoài giờ học, các bạn mải vui chơi còn Sang lại chỉ mải mê chăm sóc những giò hoa lan. Sang còn tìm đến các trang trại, các vườn cây cảnh, các phòng thí nghiệm cấy ghép để tham quan, thậm chí làm thuê để học hỏi kinh nghiệm  ghép, chăm sóc hoa lan.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, trong khi nhiều bạn cùng lớp lo tìm việc làm thì Phan Thanh Sang quyết định thuyết phục cha mẹ, thế chấp nhà đất để vay ngân hàng được 200 triệu đồng mở phòng thí nghiệm riêng. Từ đây, anh đã lai tạo, nhân giống ra nhiều giống lan có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng như lan hài, lan hồ điệp… và một số giống phong lan rừng của Việt Nam.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, Sang còn làm Bí thư Chi đoàn phố Hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), 2 nhiệm kỳ liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đã tích luỹ tạm đủ kinh nghiệm và vốn liếng, từ năm 2010, Phan Thanh Sang bắt đầu mở rộng quy mô trang trại hoa lan của riêng mình từ 7000m2 mua đất tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) để trồng hoa lan công nghệ cao. 

Đóng gói sản phẩm trước khi xuất ra thị trường.

Sau những thất bại ban đầu, trang trại lan của anh Sang bắt đầu phát triển với quy mô 2,7 ha trồng lan hồ điệp xuất khẩu trong hệ thống nhà kính công nghệ cao. Đây là trang trại được xây dựng theo mô hình nông nghiệp sạch, sinh thái, bảo vệ môi trường với nhiều cây xanh cho chim về làm tổ, có hồ cảnh quan và suối tự nhiên rất trong lành. 

Sau đó, Phan Thanh Sang đã quyết định đổi tên trang trại thành YSA Orchid Farm. Anh tiếp tục xây dựng 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm cùng hàng chục đại lý là các công ty, shop hoa lan tại các tỉnh, thành lớn trong cả nước. Đến năm 2016, Phan Thanh Sang còn mở rộng quy mô trồng hoa lan xuống vùng có khí hậu "khó tính" hơn tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Tại tỉnh Ninh Thuận, trang trại này có qui mô hơn 5 ha; trang trại cũng là mô hình trồng hoa công nghệ cao đầu tiên của tỉnh duyên hải này.

Các trang trại trồng hoa với quy mô của anh Sang đã tạo việc làm cho trên 60 lao động, chủ yếu là các đoàn viên thanh niên với mức lương từ 4-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, các trang trại trồng hoa của Phan Thanh Sang đón nhiều nông dân, đoàn viên, thanh niên từ các địa phương tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

Nhiều bạn trẻ sau khi đi làm thuê tại các trang trại của Sang, được truyền nghề đã trở về phát triển mô hình kinh tế của riêng mình. Điển hình như  bạn Vũ Thế Quý, 25 tuổi, từ một nhân công của trang trại, làm quản lý vườn lan, được anh Sang giúp đỡ mà nay đã trở về huyện Di Linh (Lâm Đồng) xây dựng vườn lan của gia đình, rồi trở thành một cơ sở liên kết của Trang trại lan YSA Orchid Farm.

Phan Thanh Sang chia sẻ anh có quan điểm là không trông chờ vào bất cứ nguồn tài trợ, hỗ trợ hay bất kỳ một dự án nào để phát triển sản xuất. Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, đến nay Phan Thanh Sang đã có 3 trang trại  hoa lan rộng hơn 10 ha, trị giá khoảng 70 tỷ đồng ở cả 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Anh Sang cũng đã gây dựng được hơn 30 cửa hàng đại lý phân phối trên toàn quốc, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh thu 7- 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phan Thanh Sang đã vận động đề xuất xây dựng phố Hồ Xuân Hương (Phường 9, thành phố Đà Lạt) thành làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương với thế mạnh trải nghiệm trồng các loại hoa lan, sen, xương rồng… UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chọn phố Xuân Hương là nơi làm mô hình điểm về du lịch nông nghiệp của tỉnh.

Đặc biệt, trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2017”, Phan Thanh Sang đã tới quần đảo Trường Sa, nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ trồng rau tiết kiệm nước cho quân và dân trên đảo rất hiệu quả. Sau đó, anh đã hoàn thiện thiết kế mô hình nhà kính trồng rau trên đảo qua chuyến đi thực tế; gửi tặng quân và dân Trường Sa nhiều thiết bị, vật tư, hạt giống sau và hoa, được sử dụng đạt kết quả tốt, được Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá rất cao.

Phan Thanh Sang vinh dự được tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2009, Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần năm 2012”; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Trung ương Đoàn bầu chọn là “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015”; bằng khen “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2017 của Trung ương Đoàn, bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động từ trồng nấm
Làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động từ trồng nấm

Đến ngã tư phố Giác, thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, ai cũng biết chàng trai Nguyễn Đức Tình (sinh năm 1988) với biệt danh “Tình nấm”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN