Sinh ra ở vùng biển Thịnh Long, từ nhỏ chứng kiến cuộc sống lam lũ bám biển mưu sinh của người dân nơi đây, nên Phong quyết tâm học và thi đỗ vào ngành máy thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội).
Năm 2012, Phong tốt nghiệp đại học song không tìm được công việc đúng chuyên ngành. Việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp, chàng trai thế hệ 8x đã quyết định trở về quê hương lập thân, lập nghiệp.
Ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản khá phát triển. Từ lâu, gia đình anh đã sơ chế sứa biển tươi xuất bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng gần 10 năm trước, ở Nam Định cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực có rất ít cơ sở chế biến các sản phẩm sứa.
Nhận thấy cơ hội khởi nghiệp cũng như tiềm năng phát triển lớn, được sự ủng hộ của gia đình, anh Phạm Văn Phong đã xây dựng hơn 6.000 m2 nhà xưởng, đầu tư máy móc để chế biến sứa biển ăn liền. Để đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình hợp tác, liên kết làm ăn, mở rộng thị trường với các đối tác, anh Phong đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quý Thịnh.
Trở thành người đứng đầu doanh nghiệp, anh luôn trăn trở phải làm sao hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả nhất để vừa tăng doanh thu vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Để duy trì hoạt động sản xuất quanh năm, từ tháng 2 đến tháng 4, Công ty tổ chức thu mua sứa tươi về bảo quản ở 25 độ mặn trong các bể chứa làm nguyên liệu. Nhằm tạo ra sản phẩm sứa biển ăn liền chất lượng, tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến, bảo quản phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc...
Từ năm 2013-2015, sứa ăn liền là sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh xuất bán từ 300 - 350 tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng/năm.
Do chế biến sứa biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh đã phát triển sản phẩm này nên thị trường tiêu thụ dần bão hòa. Không ngồi yên khi doanh thu của gia đình và thu nhập của người lao động giảm, năm 2017, nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên tỉnh Nam Định, anh Phong mạnh dạn vay gần 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) để đầu tư làm thêm các sản phẩm chả mực, chả cá...
Anh Phong chia sẻ, do thiếu kinh nghiệm, chất lượng chả cá, chả mực ban đầu không khác biệt so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Đặc biệt người dân quanh vùng không quen sử dụng sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm đông lạnh nên tiêu thụ rất khó khăn. Vì thế, ngoài nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, anh đi chào hàng khắp các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc.
Nỗ lực không ngừng của anh cũng cho kết quả. Sản phẩm chả cá, chả mực của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quý Thịnh được các cơ sở cung ứng, phân phối thực phẩm nhiều tỉnh phía Bắc ưa chuộng, ký hợp đồng đặt hàng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng đã cấp chứng nhận HACCP (phân tích mối nguy và kiểm soát giới hạn) đối với sản phẩm sứa biển ăn liền, chả cá, chả mực của Công ty.
Năm 2020, các sản phẩm hải sản đông lạnh của doanh nghiệp có sức tiêu thụ mạnh, hàng cung không đủ cầu. Trung bình, mỗi tháng, công ty xuất bán hơn 18 tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng/năm. Hiện Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương, với mức lương trung bình đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng.
Nói về cơ hội lập thân, lập nghiệp của thanh niên, anh Phong nhìn nhận: Trong thời kỳ hội nhập, cùng với điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách của Nhà nước cũng là tiền đề quan trọng giúp các bạn trẻ có cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương mình...
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, năm 2020, anh Phạm Văn Phong là một trong 56 thanh niên nông thôn được nhận giải thưởng Lương Định Của và là một trong 10 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Bí thư Huyện đoàn Hải Hậu Vũ Việt Dương đánh giá: Phạm Văn Phong là một cán bộ Đoàn tiêu biểu. Không chỉ gương mẫu trong hoạt động Đoàn, anh còn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Anh Phong là tấm gương truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên học tập, rèn luyện.
Phó Bí thư Huyện đoàn Hải Hậu Vũ Việt Dương thông tin, thời gian qua, để đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn làm tốt công tác nhận ủy thác cho gia đình thanh niên vay vốn. Toàn huyện có 34 tổ tiết kiệm vay vốn, gần 1.000 khách hàng là đoàn viên thanh niên, dư nợ gần 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, đoàn viên thanh niên trong huyện tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy, hải sản…
Huyện đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về nghề nghiệp, việc làm; tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, tạo động lực cho thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.