Ông Lầu Chống Tủa cho biết: Ngày mới lập trang trại, ông gặp vô vàn khó khăn khăn. Sau nhiều năm loay hoay tìm mô hình cây trồng và vật nuôi cuối cùng ông nhận thấy giống bò sừng dài có nguồn gốc từ Lào là phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới Nậm Cắn. Ông bắt đầu đi học kỹ thuật chăn nuôi và cách phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc của gia đình.
Ông Tủa ở trang trại của mình. |
Theo ông Tủa, làm kinh tế trang trại là phải tính toán kỹ lưỡng và bài bản, muốn có thu nhập ổn định phải kết hợp nhiều cây trồng, vật nuôi khác và phải chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Để có thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, ông Tủa cùng gia đình đã khai hoang được hơn 20 ha đất để trồng ngô. Để có nước tưới cho ngô mùa khô hạn, ông Tủa phải ngăn suối để nuôi cá và tích nước cho trang trại của gia đình. Với diện tích lớn trồng ngô, kết hợp với các loại giống có năng suất, chất lượng cao, nên mỗi năm cho thu lãi cả trăm triệu đồng.
Khi có lương thực và có thức ăn cho gia súc, ông Tủa quyết định đầu tư nuôi bò hàng hóa. Lúc đầu chưa có vốn ông chỉ nuôi 5 - 7 con bò để tích lũy vốn và kinh nghiệm. Sau 5 năm, đàn bò của gia đình ông Tủa đã lên đến hàng chục con, có thời điểm có hơn 100 con bò lớn nhỏ. Ông cho biết: Năm 2013 gia đình bán được 30 con bò, thu về hơn 300 triệu đồng.
Ngoài trồng ngô, nuôi bò, ông Tủa còn đầu tư nuôi dê, nuôi lợn đen, gà gô, lợn đen. Tính tất cả các nguồn thu nhập từ trang trại trừ chi phí hàng năm gia đình ông Lầu Chống Tủa cũng có tổng thu nhập trên 150 triệu đồng.