Hy sinh thầm lặng của các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Từ khi có bệnh nhân tại Bình Thuận mắc COVID-19 đến nay, bác sỹ Phạm Thị Việt Hoa, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận phải sống xa gia đình.

Chú thích ảnh
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận, đến hết ngày 22/3, tỉnh Bình Thuận có 9 trường hợp mắc COVID-19, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 91 trường hợp đang theo dõi, giám sát tại bệnh viện và các khu cách ly tập trung. Tất cả các trường hợp trên tình hình sức khỏe bình thường; được điều trị, theo dõi, thăm khám thường xuyên của đội ngũ y, bác sỹ túc trực tại bệnh viện.

Bác sỹ Phạm Thị Việt Hoa - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết, từ khi phát hiện ra ca dương tính với SARS-CoV-2 tại tỉnh, các y, bác sỹ tại Khoa truyền nhiễm đã tự cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho cả gia đình và cộng đồng. Mặc dù rất lo lắng cho những người ở nhà, đặc biệt là ba con của chị còn nhỏ, chồng lại đi làm xa nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh, chị tự cách ly tại bệnh viện và không về nhà, các con chị ở nhà  tự chăm sóc cho nhau. Các con nhớ mẹ và cũng lo lắng cho mẹ rất nhiều. Bản thân chị là một bác sỹ, thời gian đầu cũng có chút hoang mang nhưng nhờ đồng nghiệp động viên nên công việc chống dịch thực hiện hiệu quả. Để đỡ nhớ con, nhớ gia đình, những khi hết ca trực là chị điện thoại ngay về nhà để động viên gia đình an tâm, đảm bảo sức khỏe. 

Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 17 y, bác sỹ, đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Áp lực, lo lắng nhưng vì cộng đồng, các y bác sĩ đã và đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. Có tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mới thấy, ngay cả chế độ bảo vệ cho chính bàn thân họ cũng phải nghiêm ngặt hơn bình thường. Khi thăm khám người mắc COVID-19 phải mặc đồ bảo hộ chống dịch đúng cách, sau đó phải thay đồ bảo hộ, găng tay, mắt kính rồi mới vệ sinh thân thể và mặc quần áo khác vào. Tần suất khám thường không cố định, nếu thăm khám nhiều thì phải thực hiện quy trình mặc đồ bảo hộ, vệ sinh thân thể, khử trùng nhiều lần…

Bác sỹ Dương Thị Lợi, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Khoa Truyền nhiễm là khu vực điều trị nhiều ca mắc COVID-19 nên áp lực đối với các y, bác sỹ là điều đương nhiên. Chúng tôi luôn giữ vững tinh thần, nỗ lực cùng với bệnh nhân vượt qua những khó khăn hiện tại. Trước khi có ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, tập thể các y, bác sỹ Khoa Truyền nhiễm xác định khả năng xảy ra dịch bệnh rất cao. Từ khi tiếp xúc ca nhiễm đầu tiên, toàn bộ y, bác sỹ đã không về nhà và ở lại khoa, vừa đảm bảo nguồn lực chữa bệnh, vừa đảm bảo cách ly an toàn với những người trong gia đình.

Bác sỹ Dương Thị Lợi cũng chia sẻ, chính nhờ sự hậu thuẫn từ gia đình, sự giúp đỡ của bà con lối xóm giúp chúng tôi yên tâm công tác. Thương nhất là các y, bác sỹ trẻ tuổi, mới lập gia đình, con còn nhỏ; việc phải cách ly ở lại bệnh viện làm cho các em không kìm được nước mắt vì nhớ nhà, nhớ con. Thấu hiểu những điều đó, đội ngũ các y, bác sỹ ở đây luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch. Chúng tôi chỉ mong sao cho tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất, được đẩy lùi để các em sớm được về với gia đình của mình.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa  tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, chúng tôi đặc biệt tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện tỉnh, nhất là các y, bác sỹ của Khoa Truyền nhiễm. Theo yêu cầu của Bệnh viện, để đảm bảo an toàn, các y, bác sỹ của Khoa Truyền nhiễm không về nhà đã hơn 12 ngày qua, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay. Cả Khoa đã phải làm việc liên tục, vừa điều trị bằng phác đồ, vừa phải dùng những liệu pháp tâm lý động viên, xoa dịu tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua hoang mang khi mắc bệnh. Bệnh viện cũng đã dành một khu riêng cho các y, bác sỹ ở lại, sẵn sàng trong công tác điều trị. Họ chính là những “chiến sỹ” trên tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện tỉnh xây dựng phương án cách ly điều trị hiệu quả; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, con người khi có tình huống phức tạp, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Phun thuốc diệt khuẩn tại khu cách ly phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận đã thiết lập 19 khu cách ly tập trung tại các huyện, thị, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với tổng cộng khoảng 1.620 giường. Tỉnh cũng thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị COVID-19. Nguồn nhân lực tại đây được điều từ các khoa Nội, Nhi, Truyền nhiễm của các Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện đa khoa khu vực. Các y, bác sĩ và điều dưỡng sẽ nghỉ ngơi ngay tại Trung tâm, cách xa gia đình đến khi nào dịch bệnh được đẩy lùi.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của những người ở tuyến đầu chống dịch rất nặng nề nhưng họ vẫn can đảm, tận tụy, thầm lặng làm việc vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng. Nhiều y, bác sỹ phải làm việc liên tục, không ăn trưa, nghỉ ngơi và tận dụng khoảng thời gian ít ỏi để điện thoại trò chuyện với gia đình, với con, để có thêm động lực, sức mạnh trong “cuộc chiến” trường kỳ với đại dịch COVID-19.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 22/3, Việt Nam có 106 trường hợp mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN