Những chiếc lốp xe máy, ô tô hỏng đã biến thành những chiếc xích đu, bập bênh được nhiều em nhỏ ưa thích và vui chơi sau những giờ tan học.
Từ đầu năm 2020, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Tỉnh Đoàn Hải Dương đã phát động phong trào tái sử dụng, tái chế lốp xe đã qua sử dụng nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ đoàn viên thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình “Hành trình thứ hai của lốp xe” được các đoàn viên thanh niên trong tỉnh thực hiện từ tháng 5-12/2022. Mục tiêu của chương trình là tái chế ít nhất 500 lốp xe đã qua sử dụng thành sân chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ngay sau khi phát động, chương trình đã thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Các cấp huyện đoàn ở tỉnh đã phối hợp với các đoàn viên trong xã, thôn và trường học đi vận động tại các cơ sở sản xuất, hiệu sửa chữa xe máy ô tô quyên góp những chiếc lốp xe hỏng để tái chế. Ngoài việc vận động ủng hộ các lốp xe hỏng, các đoàn viên tại cơ sở còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ sơn, sắt, dây xích, dây nhựa,…Từ những vật dụng được quên góp cùng với tài khéo léo của mình, các đoàn viên đã làm ra các vật dụng vui chơi cho các cháu thiếu nhi như xích đu, bập bênh, cầu trượt để ủng hộ cho các trường mầm non và khu vui chơi ở các khu dân cư.
Anh Vũ Hồng Điệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Gia Lộc chia sẻ: Những chiếc lốp xe do các cơ sở ủng hộ có nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau sau khi được thu gom về các đoàn viên sẽ phân loại để sử dụng cho phù hợp với từng thiết kế đồ chơi. Những chiếc lốp ô tô to sẽ dùng làm xích đu, bồn hoa, lốp xe máy nhỏ hơn sẽ làm cầu bập bênh, hàng rào,… Những chiếc lốp xe này được các đoàn viên sơn nhiều mầu sắc với các họa tiết sinh động hấp dẫn, trên mặt xích đu còn gắn thêm miếng gỗ được trang trí với những hình con vật ngộ nghĩnh.
Anh Điệp cho biết, thời gian đầu mới làm còn lúng túng, chưa có tư liệu và kinh nghiệm, các đoàn viên đã lên mạng internet để tham khảo và học tập làm theo những đồ chơi trong thực tế. Từ đầu năm đến nay, các đoàn viên của huyện Gia Lộc đã hoàn thành và bàn giao những thiết bị vui chơi cho 3 khu dân cư và 3 trường mầm non của huyện. So với thời gian đầu mới làm, hiện nay, các đoàn viên đã làm nhanh hơn, đẹp mắt, tiết kiệm chi phí hơn so với những thiết bị mua trên thị trường. Mỗi bộ sản phẩm gồm xích đu, bập bênh, đường đi thăng bằng tổng chi phí từ 5-7 triệu đồng. Chất lượng cũng không thua kém so với những đồ chơi cho trẻ trên thị trường.
Với nhiều trường học còn khó khăn, để đủ kinh phí đầu tư những bộ đồ chơi ngoài trời đòi hỏi kinh phí lớn, nhà trường không đủ khả năng chi trả vì vậy sau giờ học các cháu mầm non chỉ tự vui chơi ở sân trường. Từ khi được các đoàn viên, thanh niên tặng những đồ chơi này, các cháu đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong vui chơi sau giờ học và tăng cường vận động, hỗ trợ phát triển trí tuệ.
Cô Đoàn Thị Nhạn, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc cho biết: Những đồ chơi này rất hữu ích và thu hút trẻ em, xích đu giúp trẻ phát triển thể chất, bập bênh và đường đi thăng bằng giúp phát triển trí tuệ, óc sáng tạo... khi vui chơi cùng nhau.
Anh Vũ Nguyên Đăng, Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh Hải Dương cho biết: Để các đoàn viên thanh niên tại các cơ sở tích cực tham gia làm những đồ chơi từ những chiếc lốp xe bỏ đi, đoàn khối đã tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến tất cả các đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Các cơ sở đoàn đã phối hợp với các địa phương trong lựa chọn địa điểm, huy động nguồn lực và sản xuất những đồ chơi cho phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Với sự năng động sáng tạo, các đoàn viên đã tái chế hàng trăm chiếc lốp xe hỏng thành đồ chơi. Các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh đã trao tặng được gần 20 bộ đồ chơi cho các cháu ở trường học và khu dân cư. Trong năm 2020, Đoàn Thanh niên tỉnh Hải Dương phấn đấu trao tặng các bộ đồ chơi từ những chiếc lốp xe hỏng cho 31 điểm trường và khu dân cư trong toàn tỉnh.
Những ý tưởng sáng tạo đã tạo những đồ vật hữu ích từ những sản phẩm bỏ đi thành xích đu, bồn hoa, bập bênh đặt tại các khu vui chơi, trường học được các em nhỏ thích thú và ủng hộ. Tận dụng những vật dụng bỏ đi là một trong những hoạt động góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải đồng thời góp phần giúp các em thiếu nhi có ý thức hơn trong gìn giữ và bảo vệ môi trường sống từ những rác thải tưởng như đã bỏ đi như lốp xe.