Gìn giữ vốn quý nhất của người thầy thuốc

Hơn 37 năm gắn bó với ngành Y, Giáo sư - Tiến sỹ Cao Ngọc Thành (sinh năm 1958) - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã có nhiều nghiên cứu khoa học hướng đến sức khỏe cộng đồng. Ông vinh dự là một trong 70 cá nhân được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Giáo sư Cao Ngọc Thành và Ban lãnh đạo nhà trường nhận Cúp và Biểu trưng của giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực y dược cho Đại học Y dược Huế, ngày 27/12/2017. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Qua quá trình hoạt động khoa học bền bỉ, Giáo sư Cao Ngọc Thành đã hoàn thành 17 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp nhà nước. Đáng chú ý là đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số". Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết thực hiện từ tháng 11/2011, tập trung nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật - sản giật.

Đề tài bao gồm ba công trình nghiên cứu: Nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng cho phụ nữ toàn quốc về "Tiền sản giật - sản giật - bệnh lý thường gặp" và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ. Công trình thứ hai là áp dụng các cách đánh giá, chẩn đoán vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc, áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị nối thông vòi tử cung, gỡ dính hoặc tái tạo loa vòi, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị bằng tình trạng vòi tử cung và tình trạng có thai sau mổ cho phụ nữ vùng miền Trung và Tây Nguyên. Công trình thứ ba hướng đến phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm vi rút HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Giáo sư Cao Ngọc Thành cho biết: Tiền sản giật - sản giật là bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ. Với các phương pháp sàng lọc kinh điển trước đây, đa phần phát hiện muộn và tỉ lệ phát hiện rất thấp. Với đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu xây dựng các chỉ số dự báo bệnh, từ đó có thể phát hiện sớm tiền sản giật vào quý 1 của thai kỳ và có thể dự báo đến 90% các trường hợp này sẽ xuất hiện tiền sản giật trong tương lai. Đây là phác đồ đầu tiên được đưa ra dựa trên dữ liệu nghiên cứu chính thức trên quần thể thai phụ tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Cao Ngọc Thành, điểm nhấn của cụm công trình trên nằm ở công trình thứ nhất là chuyên về "Tiền sản giật - sản giật". Hiện nay, bệnh nguyên của tiền sản giật vẫn còn một số vấn đề chưa giải thích được và trên thế giới đang tìm kiếm một số biến dị di truyền của một số gen.

Công trình đã sử dụng các kỹ thuật di truyền hiện đại để nghiên cứu một số gen có liên quan và đã phát hiện ra một số biến dị di truyền gen xuất hiện gây nên tình trạng xuất hiện bệnh lý tiền sản giật. Từ đó, tác giả đã nghiên cứu việc sử dụng một số thuốc có thể dự phòng được tiền sản giật và tìm ra được hai loại thuốc mà thế giới cũng có áp dụng là sử dụng aspirin liều thấp có thể dự phòng được trên 70% trường hợp xuất hiện tiền sản giật và bổ sung canxi có thể làm giảm 50% tỷ lệ tiền sản giật. Đặc biệt, cụm công trình này đã đoạt được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 ở lĩnh vực Y Dược.

Giáo sư Cao Ngọc Thành là một chuyên gia hàng đầu về sản phụ khoa và điều trị vô sinh hiếm muộn. Ông đã thành lập Trung tâm Nội tiết Sinh sản và vô sinh triển khai các kĩ thuật cao nhằm hỗ trợ điều trị cho các trường hợp vô sinh một cách hiệu quả nhất. Hiện Trung tâm tiến hành các kỹ thuật: Thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng; lưu trữ tinh trùng, trứng, phôi; hỗ trợ phôi thoát màng bằng hệ thống laser tự hành giúp gia tăng khả năng làm tổ của phôi; trích ly tinh trùng từ tinh hoàn, mào tinh của các bệnh nhân vô tinh; nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang. Trung tâm đã đem lại niềm vui cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trường Đại học Y Được Huế là nơi Giáo sư Thành học tập, trưởng thành và cống hiến. Năm 1981, ông tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Y Dược Huế và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Ông được phong hàm Giáo sư năm 2011 và Nhà giáo Nhân dân năm 2014. Từ năm 2007 đến nay, ông làm Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Với vai trò là người quản lý, giáo sư đã và đang xây dựng trường trở thành đại học mạnh mang tầm khu vực. Trường đang đào tạo 22 chuyên ngành Đại học và 89 chuyên ngành sau Đại học, với quy mô tuyển sinh hàng năm gần 11 ngàn sinh viên, học viên Cao học và nghiên cứu sinh.

Đến nay, ông đã hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công; hướng dẫn thành công 52 Thạc sĩ, 57 bác sĩ chuyên khoa II; đồng thời xây dựng, phát triển bệnh viện trường và các trung tâm điều trị kỹ thuật cao với quy mô tiếp nhận khám, điều trị 1 triệu bệnh nhân/năm. Bệnh viện đã trở thành loại hình bệnh viện sự nghiệp công lập và được Bộ Y tế xếp hạng là bệnh viện loại I.

Giáo sư Cao Ngọc Thành còn là tác giả của 38 giáo trình, sách tham khảo; hoàn thành 134 công trình khoa học, báo cáo khoa học trên một số tạp chí khoa học, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Hiện nay, ông đang triển khai thực hiện đề tài cấp tỉnh nghiên cứu về những vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc miền núi. "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi luôn gìn giữ vốn quý nhất của người thầy thuốc là giỏi y thuật và giàu y đức"-  Giáo sư Cao Ngọc Thành chia sẻ.

Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Giáo sư Cao Ngọc Thành là người tâm huyết với nghề, cả trong nghề giáo lẫn trong vai trò nhà quản lý và người làm khoa học. Trong lĩnh vực khoa học, ông đã có nhiều đóng góp cho khoa học ngành Y, mang tính ứng dụng cao và hướng về cộng đồng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Trong công tác giảng dạy, Giáo sư Cao Ngọc Thành đã mở nhiều ngành học mới, đào tạo các ngành Thạc sỹ quốc tế liên kết với các trường đại học trên thế giới...đưa Trường Đại học Y Dược Huế trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng nhất của cả nước.

Tường Vi (TTXVN)
Người thầy thuốc hai lần nhận bằng khen đột xuất của Thủ tướng
Người thầy thuốc hai lần nhận bằng khen đột xuất của Thủ tướng

Gần 40 năm gắn bó với nghề y, bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã 2 lần được nhận bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều huân chương, bằng khen của Bộ Y tế về những đóng góp của mình với ngành y.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN