Luôn có mặt ở những khu vực nguy hiểm
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, trước khi bão đổ vào trung tâm Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ và UBND thành phố, các quận, huyện đã di dời hoàn toàn các hộ dân sinh sống tại những khu vực không an toàn đến khu vực an toàn nên đã hạn chế được rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Ngay trong đêm, các lực lượng chức năng như: Công an, quân đội, và đội cứu hộ thành phố và các quận, huyện, thị xã đã nhanh chóng được huy động để xử lý cây đổ, dọn dẹp đường phố, khôi phục lại giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân.
Sáng 8/9, nhiều tuyến đường chính của Hà Nội bị chặn lại do cây cối đổ rạp, làm gián đoạn giao thông nghiêm trọng. Một số cây lớn khi đổ xuống đã làm hư hại đường dây điện, cột đèn và nhà cửa của người dân, dẫn đến tình trạng mất điện diện rộng tại nhiều khu vực. Các quận trung tâm, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố bị bật gốc, đổ rạp xuống đường.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã và đang tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp cây xanh đổ, gãy cành đã phát hiện; đồng thời tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp cây đổ, cành gãy phát sinh khác.
Đại diện Ban chỉ huy Quân sự quận Đống Đa cho biết, lực lượng chức năng của quận đã "trắng đêm" xử lý các cây bị gãy đổ, bật gốc. Các công ty cây xanh, điện lực và vệ sinh môi trường cũng đã được huy động tối đa nhân lực và thiết bị để nhanh chóng khắc phục tình hình, đảm bảo cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Ngay trong sáng sớm ngày 8/9, những sắc áo vàng, xanh của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đã có mặt trên những tuyến đường để phân luồng hướng dẫn giao thông, phối hợp tham gia dọn cây xanh, biển quảng cáo bị gẫy, đổ do bão.
Ngay lúc mưa bão lớn, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với công an phường sở tại, đơn vị quản lý cây xanh tiến hành dọn dẹp các cây xanh bị gãy đổ, cắt cành, sắp xếp gọn vào lề đường, bảo đảm an toàn giao thông tại các tuyến đường. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng kịp thời cứu thoát một người dân bị cây đổ đè trúng; hỗ trợ, giúp đỡ những người đi đường gặp hoàn cảnh khó khăn.
Khoảng 17 giờ 30 ngày 7/9, tổ cảnh sát 113 - Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận Hai Bà Trưng thực hiện tuần tra trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm thì phát hiện một phụ nữ đang trong trạng thái tinh thần hoảng loạn. Lúc này, người phụ nữ đã dừng lại, không dám tiếp tục điều khiển xe, phần vì sợ và phần do gió thổi quá mạnh, nhiều cành cây rơi gãy... Tổ công tác đã lập tức hỗ trợ, đưa xe máy của chị về trụ sở Công an quận để bảo quản tạm thời và bố trí xe ô tô đưa chị về nhà an toàn.
Chị K.T.H, sinh năm 1980,; trú tại phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng), là người may mắn kể trên bày tỏ: "Lúc rời cơ quan thấy đường phố không một bóng người, ngổn ngang cây đổ, mưa giông, gió giật tôi nghĩ đến ngày tận thế. Ngay lúc nước mắt tuôn rơi vì lo sợ, thì các chiến sỹ công an có mặt. Tôi rất biết ơn các chiến sỹ công an".
Cũng không kém phần căng thẳng, tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, cán bộ ứng trực liên tục kiểm tra địa bàn toàn thành phố qua hệ thống camera giám sát để kịp thời điều tiết giao thông; ra thông báo khuyến cáo người dân di chuyển tránh những tuyến đường có nguy cơ ngập lụt, cây đổ.
Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, để đảm bảo giao thông nên đơn vị đã chỉ đạo các tất cả các đơn vị địa bàn ứng trực 100% quân số, đặc biệt tại tất cả các điểm nút giao thông, các tuyến đường có nguy cơ bị ngập úng với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo giao thông thông suốt, chống tình trạng ùn tắc có thể xảy ra đồng thời sẵn sàng ở mức cao nhất hỗ trợ người dân lưu thông trên đường trong trường hợp gặp sự cố.
Khẩn trương có mặt, khắc phục các sự cố
Theo Công an thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm 22 giờ ngày 7/9, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an thành phố và Công an các đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết gần 200 tin báo, trong đó có hơn 154 vụ cứu nạn cứu hộ do ảnh hưởng của bão gây ra (cây đổ, gãy, lật, bay mái nhà,…) trên địa bàn thành phố. Công an thành phố đã điều động trên 290 lượt xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phương tiện phá dỡ, cứu nạn, cứu hộ… với hơn 2.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia cứu hộ.
Trong bối cảnh nguy cơ lũ lụt kèm theo gió mạnh có thể gây thiệt hại về người và của tại khu vực các hộ dân sinh sống ven sông Hồng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng khẩn trương chỉ đạo cán bộ chiến sỹ phối hợp cùng lực lượng chức năng công an các quận, huyện ven sông trực tiếp xuống hiện trường để tổ chức tuyên truyền, vận động, sử dụng ca nô hỗ trợ người dân làng chài di chuyển đến khu vực an toàn.
Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội cho biết: Phát huy truyền thống và tinh thần “Việc gì khó có Công an” nên trong cơn bão số 3, đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, các lực lượng công an Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Có hàng nghìn chiến sỹ Công an quận, huyện, xã phường xuyên đêm bảo vệ an ninh trật tự, tham gia triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Để cán bộ chiến sỹ thực hiện nghiêm túc tinh thần trên, trước đó, Công an thành phố đã triển khai phương án ứng phó với bão số 3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tổ chức ứng trực, thường trực 100% quân số triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và ứng phó cơn bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để các đối tượng lợi dụng sự cố, thiên tai để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an các địa phương đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, bất chấp những hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản; khắc phục hậu quả của mưa bão.
Chiều 7/9, tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, cột điện bị đổ nằm ở vị trí đối diện UBND xã Liên Hồng, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Tại Quốc lộ 32, nhiều xanh bị đổ gẫy ảnh hưởng đến giao thông. Ngay sau khi nhận được tin, Thượng tá Lê Tiến Bắc, Trưởng Công an huyện Đan Phượng trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sỹ phối hợp với lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông.
Tại tuyến đường Mễ Trì gió rất to và mạnh, người dân khó di chuyển nhiều người bị gió quật ngã, Công an phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) hỗ trợ cư dân bị ngã di chuyển vào trụ sở tránh bão. Cán bộ chiến sỹ Công an phường Mễ Trì còn tổ chức nấu ăn cho nhân dân.
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh giá, huyện đã từng xảy ra đổ nhà, sụt sạt trượt đất do mưa lớn gây chết người. Nên trong thời điểm mưa bão, Công an huyện đã duy trì quân số thường trực, vào cuộc có trách nhiệm, tham gia xử lý các tình huống do bão gây ra. Công an huyện cùng các ngành của huyện xuống địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, đưa người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nơi trú bão an toàn, hạn chế thiệt hại.