Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thảo đã tích cực cùng các thầy cô, bạn bè phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
“Nếu bạn giúp một người và mong chờ nhận lại điều gì đó, thì bạn đang làm ăn, không phải làm việc tốt”, Đinh Thị Thảo luôn tâm niệm như vậy khi quyết định tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa xã hội.
Đinh Thị Thảo hiện là Bí thư Chi đoàn Chính trị học D2017, Bí thư Liên chi Đoàn, Liên chi Hội trưởng Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên thành phố Hà Nội. Là một cán bộ Đoàn - Hội, Thảo luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Vì vậy, Thảo luôn tiên phong gương mẫu trong mọi hoạt động tình nguyện và các phong trào thiết thực với cộng đồng, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc vận động, tập hợp thanh niên vào tổ chức. Bên cạnh đó, Thảo còn chủ động triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
“Hồi mới vào trường, là sinh viên năm thứ nhất, em khá rụt rè và nhút nhát. Thế rồi được tham gia những hoạt động tình nguyện, Đoàn - Hội rất sôi động và ý nghĩa tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, em đã mạnh dạn hơn, hòa nhập vào các hoạt động thiết thực có ích với cộng đồng”, Đinh Thị Thảo tâm sự.
Suốt quá trình học tập tại trường, Thảo đã tham gia rất nhiều hoạt động phong phú và thực tiễn như: hiến máu nhân đạo; vẽ tranh hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; quyên góp sách tại Hội sách của trường để gửi đến các vùng đặc biệt khó khăn; tham gia đợt tình nguyện xây dựng nông thôn mới tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)... cùng rất nhiều hoạt động khác. “9 ngày tham gia chương trình tình nguyện tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn năm 2019 thật đáng nhớ. Chúng em cùng nhau làm sạch các công trình công cộng, giao lưu với thanh thiếu niên địa phương, cùng chia sẻ những kiến thức học tập, kiến thức xã hội. Đó là hành trang kỷ niệm sẽ theo em đến suốt cuộc đời”, Đinh Thị Thảo kể lại.
Thảo nhận thấy những hoạt động cộng đồng không chỉ thay đổi mà còn giúp bản thân mình tích lũy được những kinh nghiệm có ích, đồng thời thỏa ước mơ được đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng, cho xã hội và hơn cả là niềm tin lan tỏa sức sống nhiệt huyết đó cho các đoàn viên, sinh viên khác.
“Đã có người hỏi em những công việc tình nguyện ấy mang lại lợi ích gì cho em? Với em, đó là những lợi ích đặc biệt ý nghĩa, mang lại những lợi ích về tinh thần, giúp em mở rộng hơn nhiều mối quan hệ, nâng cao trình độ học tập và lý luận, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, các kỹ năng mềm cũng được trau dồi và nâng cao. Việc học kỹ năng sống bằng những hoạt động thực tiễn chắc chắn đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc ngồi vẽ ý tưởng trên giấy bút. Đó là lý do thôi thúc em tiếp tục cống hiến cho hoạt động cộng đồng, khiến bản thân em có trách nhiệm hơn với mọi công việc, học tập và với Tổ quốc”, Đinh Thị Thảo hào hứng chia sẻ.
Trong câu chuyện, Đinh Thị Thảo luôn kể về ngôi trường đã tạo điều kiện cho cô phát triển cả về học tập lẫn rèn luyện bản thân. Nhà trường, các thầy cô đã truyền đạt cho Thảo những kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, lý tưởng cách mạng và Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên đã giáo dục cho cô về lý tưởng cách mạng, lối sống lành mạnh.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Đỗ Hồng Cường cho biết, Đinh Thị Thảo là đại diện cho nhiều sinh viên ưu tú, xuất sắc của trường trong học tập, đầy nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm trong các hoạt động vì cộng đồng nói chung và công tác phong trào Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên của nhà trường nói riêng. Trong hơn 6.000 sinh viên của trường, còn nhiều tấm gương sinh viên ưu tú, có thành tích cao trong học tập, cống hiến tích cực cho các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Điều này đã được khẳng định thông qua việc Đoàn, Hội cấp trên ghi nhận hơn 500 sinh viên Năm tốt trong những năm qua.
“Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi trọng việc tạo môi trường học tập, rèn luyện để các sinh viên có khả năng, có cơ hội được khẳng định bản thân mình. Các em sẽ trang bị cho bản thân những kỹ năng quan trọng thông qua các hoạt động phong trào để sau khi ra trường, các em không chỉ vững về kiến thức chuyên môn mà còn sở hữu các kỹ năng mềm cơ bản, tự tin bước ra môi trường xã hội, lập thân, lập nghiệp”, ông Đỗ Hồng Cường cho biết thêm.
Với những suy nghĩ như vậy, việc lan tỏa trong nhà trường những tấm gương người tốt, việc tốt đang được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quan tâm thực hiện. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi trong sự phát triển của nhà trường.
Tự hào được học tập và phát triển trong môi trường giáo dục đó, đối với Đinh Thị Thảo, để trở thành một sinh viên tốt, có ích cho xã hội, mỗi sinh viên không chỉ phấn đấu để có những bằng khen, giấy khen trong học tập và rèn luyện mà còn cần có cách ứng xử, hành động có ích cho cộng đồng, bắt đầu từ những việc nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, không vứt rác bừa bãi, sống và làm việc có trách nhiệm với bản thân và tập thể...