Chia sẻ khó khăn với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

UBND tỉnh Hà Nam có quyết định ứng ngân sách tỉnh năm 2020 với tổng số tiền 106,4 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Kinh phí trên được phân bổ cụ thể: Thành phố Phủ Lý được cấp 13 tỷ đồng: huyện Lý Nhân 25,4 tỷ đồng; huyện Thanh Liêm 14,9 tỷ đồng; huyện Kim Bảng 16,5 tỷ đồng; huyện Bình Lục 18,2 tỷ đồng; thị xã Duy Tiên 17,7 tỷ đồng và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được cấp 433,5 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trao gạo cho công nhân lao động. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, khẩn trương triển khai nhiệm vụ đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội.

Ngay khi Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 được ban hành và có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam đã tham mưu UBND tỉnh triển khai khảo sát các nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ.

Kết quả rà soát, thống kê ban đầu, toàn tỉnh Hà Nam có khoảng 90.000 người thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ theo quy định. Việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng này được tỉnh triển khai trong tháng 4/2020.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, đơn vị liên quan sẽ đồng thời rà soát danh sách, sàng lọc đối tượng lao động bị tạm hoãn hợp đồng nghỉ không lương một tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh, người lao động bị chấm dứt hợp đồng, bị thất nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020… để tránh trùng lắp các đối tượng thụ hưởng.

* Sáng 22/4, Siêu thị hạnh phúc (hay còn gọi là Siêu thị 0 đồng) đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận đã chính thức mở cửa phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại Siêu thị 0 đồng tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đến xếp hàng và chờ vào siêu thị để mua hàng với giá 0 đồng. Mặc dù đông người nhưng tại đây không xảy ra tình trạng mất trật tự, lộn xộn hay chen lấn. Ban tổ chức bố trí ghế để người dân ngồi chờ theo đúng quy định về giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… Sau khi xếp hàng, người dân lần lượt được lấy thông tin, phát thẻ mua sắm, vào siêu thị lựa chọn hàng hóa theo đúng thứ tự.

Tự lựa chọn đủ 5 món hàng cần thiết, bà Đỗ Thị Hòa, ngụ phường Đức Nghĩa (thành phố Phan Thiết) vui mừng chia sẻ: Chúng tôi rất vui và cảm thấy ấm áp khi nhận được sự sẻ chia của cộng đồng. Hy vọng mô hình siêu thị này sẽ được nhân rộng để giúp những người nghèo vơi bớt khó khăn trong lúc này.

Đặt tại khuôn viên Thư viện tỉnh Bình Thuận, Siêu thị 0 đồng gồm các thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày để người khó khăn tự chọn lựa. Mỗi người được chọn mua không quá 5 sản phẩm giá 0 đồng/lần; tổng giá trị 5 sản phẩm không quá 100.000 đồng/lần mua và được mua 2 lần/tháng. Siêu thị mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày Lễ, Tết), dự kiến phục vụ khoảng 300 lượt người/ngày.

Bà Phan Thị Vi Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận cho biết: Thực hiện chủ trương chung tay hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam tổ chức chương trình Siêu thị hạnh phúc với mong muốn hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt, để Siêu thị hoạt động ổn định và đảm bảo trật tự, đúng đối tượng, Ban tổ chức tiến hành phát phiếu về từng phường căn cứ theo đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương. Sau này, Siêu thị sẽ mở rộng đối tượng phục vụ khác như người buôn bán nhỏ, người có việc làm không ổn định...

Phát huy tinh thần "Lá lành đùm lá rách", thời gian qua tại Bình Thuận, nhiều chương trình, hoạt động sẻ chia với cộng đồng, với những đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tổ chức và tạo được sự lan tỏa như: hỗ trợ người bán vé số, cây "ATM gạo" hay những phần quà của các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho bà con nghèo... trị giá hàng tỷ đồng. Những hành động này không chỉ góp phần sẻ chia khó khăn với các đối tượng yếu thế mà còn góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

* Sáng 22/4, tại sảnh Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh phối hợp các tổ chức đoàn thể của thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức cấp phát gạo miễn phí, chia sẻ khó khăn với những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thông qua cây "ATM gạo".

Chú thích ảnh
Người dân thành phố Hà Tĩnh nhận gạo tại ATM gạo. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Với thông điệp "Ai thiếu xin mời nhận, ai có vui lòng góp sức", cây "ATM gạo" ở Hà Tĩnh nhận được sự đồng hành, hưởng ứng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Trong khuôn khổ chương trình lắp đặt máy phát gạo và trao tặng gạo miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn quốc, dự án "ATM gạo toàn quốc - Vườn yêu thương" đã trao tặng 1 máy phát gạo và 5 tấn gạo cho người nghèo Hà Tĩnh. Máy phát gạo được tiến hành lắp đặt lần đầu tiên tại sảnh Trung tâm Văn hóa điện ảnh Hà Tĩnh và đưa vào hoạt động chính thức phục vụ người dân.

Anh Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh cho biết: Đến ngày 22/4, Hội đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ 36 tấn gạo cho người dân Hà Tĩnh. Chọn điểm lắp đặt "ATM gạo" đầu tiên tại thành phố Hà Tĩnh vì ở đây có rất nhiều người lao động nghèo bị mất việc, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không có nguồn gạo dự trữ trong nhà. Tùy tình hình thực tế trong quá trình hoạt động, đơn vị có thể sẽ di chuyển máy đến các địa phương khác trong tỉnh để chia sẻ với bà con.

Dự kiến, tại điểm phát gạo ở Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh sẽ phát 10 tấn gạo trong 3 ngày. Ngay trong sáng 22/4, Ban tổ chức đã phát gần 5 tấn gạo, đảm bảo mỗi người dân được nhận 5 kg gạo.

Nhận được túi gạo, bà Nguyễn Thị Lam (74 tuổi, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) xúc động chia sẻ: Nhà tuy ở thành phố nhưng lại neo người, ảnh hưởng của dịch nên từ hơn một tháng nay vợ chồng tôi không có thu nhập. Nhận được số gạo này tôi rất vui, là động lực để gia đình vơi bớt khó khăn.

Với phương châm "Của cho không bằng cách cho", Ban tổ chức đã nghiên cứu "cách cho" văn minh, đảm bảo đúng đối tượng và người được nhận cũng thoải mái. Với số lượng người đến nhận gạo đông, để đảm bảo việc giãn cách xã hội và thực hiện nhanh chóng trong điều kiện thời tiết có mưa, Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh đã đặt thêm 2 bàn phát gạo 2 bên cây "ATM gạo" để phát gạo được đóng gói sẵn cho những người già cả, tàn tật. Các lực lượng chức năng cũng tiến hành đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn khi đến nhận gạo.

* Ngày 22/4, cây "ATM gạo" đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đã chính thức được đưa vào vận hành tại số 15 đường Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng (ngay trụ sở của Hội Chữ thập đỏ thành phố Sóc Trăng). Với thông điệp "Nếu bạn cần hãy đến lấy. Nếu bạn ổn hãy nhường lại cho người khác", cây "ATM gạo" do Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng phối hợp vận hành.

Chú thích ảnh
Người dân nhận gạo tại cây "ATM gạo". Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Khi đến nhận gạo, mỗi người dân sẽ được các tình nguyện viên hướng dẫn xếp hàng đúng khoảng cách, được sát trùng tay và phát khẩu trang miễn phí. Mỗi người được nhận 2 kg/lượt tại cây "ATM gạo", ngoài ra còn được nhận thêm dầu ăn, nước mắm…

Khi hay tin, "ATM gạo" miễn phí đầu tiên của tỉnh được vận hành sáng 22/4, ông Trần Ngọc Thuấn ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú) hành nghề bán vé số đã đến xếp hàng từ rất sớm. Do tật nguyền nên ông phải bán vé dạo sống qua ngày. Từ khi vé số ngưng phát hành, cuộc sống của ông rất chật vật. Số gạo nhận được sẽ là "cứu cánh" cho ông trong những ngày khó khăn này.

Theo bà Đào Ngọc Ngưng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng, ngay thời điểm cây "ATM gạo" được vận hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng đã nhận được gần 9 tấn gạo do các tổ chức, cá nhân đóng góp. Dự kiến cây "ATM gạo" sẽ hoạt động trong thời gian 10 ngày hoặc đến khi hết dịch. Nếu nguồn gạo được hỗ trợ còn thì chương trình vẫn được duy trì. 

Cây "ATM gạo" được vận hành tại Sóc Trăng có ý nghĩa nhân văn rất lớn, góp phần hỗ trợ các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh trong mùa dịch.

PV TTXVN tại các địa phương
Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch COVID-19 từ những 'ATM gạo'
Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch COVID-19 từ những 'ATM gạo'

Những "ATM gạo" đang vận hành ở khắp mọi miền đất nước đã kịp thời hỗ trợ phần nào cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ấm cúng trong đợt dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN