Do quan niệm lạc hậu, nhiều cặp vợ chồng ở địa phương đẻ từ 5 - 7 đứa con, vì cho rằng đẻ được nhiều con là có phúc và được Yàng (trời) thương, nhiều con là có thêm lao động để lên nương rẫy...".
Nhờ có những cộng tác viên dân số trách nhiệm như chị H’Phương, tình trạng sinh nhiều con ở Gia Lai đã giảm hẳn. |
Từ năm 2009, chị H'Phương làm cộng tác viên dân số tại xã Ia Tul. Ban đầu, do chưa có nghiệp vụ chuyên môn, chị phải cố gắng nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong công tác tuyên truyền, vận động, chị luôn kiên trì thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu". Chị thường đến nhà hoặc lên nương rẫy để gặp người dân, tuyên truyền họ thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình.
Chị H'Phương tâm sự: Hơn 6 năm làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chị đã có nhiều kỷ niệm cả vui và buồn. Có người chưa hiểu, khi thấy chị đến nhà đã lập tức đóng cửa lại, có người gặp chị thì ngoảnh mặt, có người còn bảo H'Phương là con "ma rừng". Thế nhưng, chị không nản lòng, bởi có niềm tin rằng, đồng bào sẽ hiểu ra. Và giờ đây, niềm tin của H'Phương đã trở thành hiện thực.
Xã Ia Tul hiện có 286/520 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, trong đó có nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện áp dụng biện pháp đình sản sau khi sinh con thứ 2. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã luôn thấp hơn so với những địa phương khác trên địa bàn huyện Ia Pa.
Chị Nay H'Quy ở làng Biah, xã Ia Tul có 1 con lên 2 tuổi; nghe lời cán bộ dân số chị đã đặt vòng tránh thai. Chị Nay H'Quy tâm sự: Nếu sinh đông con, cha mẹ không đủ tiền cho con đi học, không đủ ăn. Chị H' Phương đi tuyên truyền như vậy là đúng nên chị đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, khi nào con được 6 tuổi, chị mới sinh thêm con thứ 2.