Vào một buổi chiều tháng 7, trong cái oi nóng của mùa hè, dòng người vẫn xếp hàng dài trước Nhà ăn không đồng Bạch Mai, ngõ 15 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội để nhận những suất cơm không đồng chuẩn bị cho bữa ăn cuối ngày. Đa phần họ là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai và Lão khoa cùng những lao động nghèo. Dưới sự hướng dẫn của các thành viên nhà bếp, ai cũng vui vẻ, tôn trọng nhau, không chen lấn xô đẩy.
Với tinh thần “Vì cho đi là còn mãi”, Nhà ăn không đồng Bạch Mai đã hoạt động miệt mài suốt 2 năm qua. Tại đây, những suất cơm không đồng đã được chia sẻ đến với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện, giúp họ bớt đi phần nào áp lực về kinh tế. Món ăn được thay đổi thường xuyên, bữa ăn được cân đối dinh dưỡng để đảm bảo khẩu phần ăn ngon miệng, vệ sinh, chất lượng.
Kể về cơ duyên gây dựng Nhà ăn không đồng Bạch Mai, anh Bùi Văn Tú - một trong những thành viên sáng lập Nhà ăn không đồng chia sẻ: Qua quá trình tham gia chống dịch COVID-19 mấy năm qua, anh nhận thấy có quá nhiều hoàn cảnh hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, đôi lúc chỉ cần đến một bữa ăn. Nhất là khi được tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, nhóm đối tượng yếu thế, anh hiểu rất rõ hoàn cảnh khó khăn của nhiều người bệnh. Từ thực tế đó, anh trăn trở và cũng bạn bè đã gây dựng Nhà ăn không đồng. Dù việc mở cửa nhà ăn gặp nhiều khó khăn về địa điểm, kinh phí nhưng với sự quyết tâm của mọi người và sự ủng hộ của những người xung quanh, nhà ăn đã ra đời.
Ban đầu, việc kêu gọi các mạnh thường quân còn khó khăn nên nhóm của anh Tú phải tự ra chợ xin rau củ từ các tiểu thương chợ đầu mối. Người có ít cho ít, người có nhiều cho nhiều, hoặc nhóm của anh được các tiểu thương ưu ái cho mua giá gốc. Lúc ai gọi cho nguyên liệu gì, anh em cũng phóng xe ra tận nơi lấy luôn. Những đóng góp như vậy đã phần nào giảm được áp lực chi phí hàng ngày cho bếp ăn.
Từ khi mở cửa đến nay, lượng người đến nhận cơm ngày một đông. Có hôm mọi người xếp hai hàng dài từ quán đến đầu ngõ (dài tới hơn 20m). Dù nhà ăn đã tăng lượng đồ ăn lên nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Mỗi ngày, nhà ăn phát 450 suất cơm, từ thứ 2 đến thứ 6, mang lại niềm vui và lan tỏa hơi ấm đến mọi người. Anh Bùi Văn Tú chia sẻ, niềm vui lớn nhất của các thành viên bếp ăn là đã hỗ trợ, giúp đỡ được những người khó khăn. Dù là nhỏ thôi nhưng đó là vinh hạnh, hạnh phúc của những người trong nhóm.
Có mặt tại Nhà ăn không đồng Bạch Mai, chị Lê Thị Oanh - 57 tuổi, trú tại thôn 4, xã Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang đi chăm sóc con gái lớn tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, chi phí chạy chữa tại bệnh viện rất tốn kém nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Con gái chị Oanh năm nay 35 tuổi đang chữa trị bệnh trầm cảm tại khoa Thần Kinh - Bệnh Viện Bạch Mai. Khi biết Nhà ăn không không đồng, chị thường xuyên đến xếp hàng để nhận được suất cơm nghĩa tình này. Bốn đợt đưa con lên Bệnh viện Bạch Mai chữa trị, lần nào chị cũng đến Nhà ăn không đồng để nhận cơm. “Tôi rất cảm ơn những tấm lòng từ bi đã nấu những bữa cơm thơm ngon, giúp đỡ bệnh nhân trong viện và những người cơ nhỡ đến đây.” - Chị Oanh không giấu nổi xúc động.
Cũng là một trong hai bếp ăn của Nhóm thiện nguyện Từ Đức, Nhà ăn không đồng số 59 phố Chùa Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng duy trì suốt hơn một năm qua. Với vị trí gần bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Ung bướu Trung ương, Bệnh viện Phổi Hà Nội, khách hàng quen thuộc của nhà ăn là những bệnh nhân chạy chữa dài ngày. Lượng cơm nấu trong ngày cũng phụ thuộc vào lưu lượng bệnh nhân: “Những ngày cuối tuần bệnh nhân sẽ ra viện nhiều, lượng cơm theo đó cũng sẽ giảm bớt, vừa đủ với nhu cầu khách đến lấy cơm, tránh gây lãng phí.” - Chị Phạm Thúy, Quản lý nhà ăn không đồng phố Chùa Quỳnh chia sẻ.
Cũng giống như Nhà ăn không đồng Bạch Mai, gần đến giờ mở cửa, hàng người xếp hàng cũng ngày một dài lên. Có những bệnh nhân cao tuổi hàng ngày cũng tập tễnh đến xếp hàng chờ đến lượt nhận cơm. Điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, chị Nguyễn Thị Xuyến là một trong những khách quen thuộc của Nhà ăn không đồng phố Chùa Quỳnh cho biết, cơm ở đây rất ngon, mọi người điều hành bếp ăn cũng luôn nhiệt tình và vui vẻ.
Được sự chung tay góp sức của những cô chú hàng xóm đã nghỉ hưu, Nhà ăn không đồng phố Chùa Quỳnh luôn đều đặn mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu. Hỗ trợ nhặt rau, chia cơm, quét dọn,... tình cảm của bà con lối xóm chính là nguồn động viên to lớn giúp bếp ăn duy trì. “Các cô các bác rất tâm huyết, hỗ trợ nhà ăn hết mình không ngại nắng mưa. Có những hôm thời tiết giá rét, các cô vẫn có mặt để hỗ trợ phát cơm cho bà con”, chị Phạm Thúy kể lại xen lẫn sự biết ơn.
Không chỉ được hàng xóm yêu mến và hỗ trợ, bếp ăn còn nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng, nhận được giúp đỡ qua nhiều cách khác nhau. Người thì ủng hộ rau củ quả, người thì phát tâm ủng hộ gas, người thì ủng hộ tiền điện nước... Mọi sự đóng góp, dù là cân gạo hay mớ rau, nhà ăn cũng đều rất trân quý. Không phụ sự chia sẻ của mọi người, bếp ăn vẫn luôn cố gắng phục vụ những suất ăn ngon, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng tới khách hàng.
Mặc dù gặp không ít khó khăn về kinh phí, nguồn lực, nhưng với sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người, các Nhà ăn không đồng luôn cố gắng đều đặn duy trì, vượt qua. Những suất ăn nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng được phục vụ hàng ngày, đỡ đi phần nào cho những mảnh đời kém may mắn. Đó chính là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên nhà ăn cố gắng hơn nữa, giúp bếp ăn quanh năm đỏ lửa, mang đến niềm vui cho mọi người.