Nguồn hàng Tết dồi dào
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024, các chỉ số của TP Hồ Chí Minh đều tăng trưởng so với tháng 12/2023. Sức mua thị trường những ngày cận Tết đang tăng trở lại, đây là tín hiệu đáng mừng. Các nhà bán lẻ lớn đều có nghiên cứu kỹ sức mua, thị hiếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 1/2024 ước tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 16% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2024, ngay từ đầu năm Sở đã triển khai kế hoạch đến các đơn vị. Tổng nguồn vốn doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, theo ông Ngô Hồng Y, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... Về lượng hàng bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa trị giá khoảng 8.500 tỷ đồng, chiếm thị phần từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các đơn vị bán lẻ cũng lên phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng, cụ thể: Từ ngày 20 - 27/12 tháng Chạp âm lịch (ngày 30/1 - 6/2) mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ đêm. Từ ngày 28 - 29/12 tháng Chạp âm lịch (7 - 8/2) mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30 tháng Chạp âm lịch (9/2) mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Nhiều siêu thị khai trương năm mới từ 8 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, mọi hoạt động kinh doanh bình thường.
Siêu thị giảm giá sâu, chợ đầu mối tăng lượng hàng
Mặt khác, càng gần Tết, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực đều tích cực triển khai những chương trình khuyến mãi hướng tới người tiêu dùng. Ở lĩnh vực bán lẻ, ông Lê Hữu Tình, Quản lý cấp cao Marketing Công ty TNHH Thiso Retail (vận hành chuỗi siêu thị Emart) cho biết, từ đầu tháng 1 tới nay, các siêu thị Emart liên tục triển khai các chương trình giảm giá cho những mặt hàng nhu yếu phẩm dịp Tết. “Mở đầu, chúng tôi tổ chức chương trình khuyến mãi lớn mừng Xuân Giáp Thìn (từ 12/1 đến 25/1/2024), tiếp nối là chương trình Chợ Tết với hàng ngàn sản phẩm siêu khuyến mãi mùa Tết và các món ngon ngày Tết, diễn ra từ ngày 26/1 đến 9/2/2024", ông Tình cho biết thêm.
Tương tự, ngay khi vừa kết thúc giai đoạn đầu của chương trình “Đến Co.op chở Tết về”, từ ngày 25/1 đến ngày 9/2/2024 hệ thống các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra... của Saigon Co.op tiếp tục tung ra thị trường Tết hơn 2.000 sản phẩm Tết được khuyến mãi đến 50%. Đặc biệt, nhà bán lẻ này còn bổ sung những sản phẩm thời vụ Tết như bánh chưng, bánh tét, bưởi khắc chữ Phúc Lộc Tài, bánh hỏi, củ kiệu hành muối, dưa cải chua, xôi chè, thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, salad rau củ… cũng như tung hơn 2.000 “bí kíp sắm Tết” dành cho khách hàng thành viên cùng nhiều quà tặng khi đi mua sắm.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart, kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op ghi nhận sức mua và lượt khách tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các đơn hàng online tăng 50% song siêu thị vẫn xử lý, giao hàng ngay trong ngày cho khách hàng.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đoàn công tác Thành phố cũng đã đến thăm và làm việc với 3 chợ đầu mối về công tác chuẩn bị hàng hóa cho Tết Giáp Thìn 2024. Lãnh đạo Thành phố ghi nhận các chợ đầu mối đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào, bảo đảm giá cả hợp lý phục vụ thị trường Tết. Theo đó, tổng lượng nông sản cung ứng thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) đạt khoảng 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản; 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm trước Tết 1 tuần, lượng hàng nhập về các chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, là chợ đầu mối lớn về các mặt hàng nông sản, rau củ nên lượng hàng hóa về chợ hiện nay đã đạt bình quân 2.700 tấn/ngày. Dự báo cao điểm Tết, từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp âm lịch, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần khoảng 70% so với ngày thường. Cụ thể, ngày 25 khoảng 4.000 tấn, ngày 26 khoảng 3.500 tấn, ngày 27 - 28 cao điểm khoảng 4.500 tấn. Về giá cả hàng hóa, ông Nguyễn Nhu dự báo giá các mặt hàng bình ổn rẻ hơn so với cùng kỳ năm 2023. Ví dụ, củ kiệu rẻ hơn từ 10 – 15.000 đồng/kg; quýt đường 70.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; dưa leo, khổ qua 25.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg. Giá các loại hoa cũng giảm khoảng 10 – 20% so với năm trước.
"Mặc dù lượng hàng hóa cung ứng tết 2024 tăng nhưng nhiều thương nhân vẫn lo lắng sức mua sẽ không như kỳ vọng, nguyên nhân kinh tế khó khăn và nhiều người thắt chặt chi tiêu", ông Nguyễn Nhu cho biết thêm.