Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo – thành quả và thách thức

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo "Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo – thành quả và thách thức".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP cho biết: Tất cả 8 trường chủ chốt tham gia Chương trình ETEP đều thực hiện tốt hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Tính đến 31/12/2021, 8 trường đại học sư phạm chủ chốt đã triển khai bồi dưỡng 6 mô-đun bắt buộc 1, 2, 3, 4, 5 và 9 cho 31.379 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán. Từ năm 2022, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai bồi dưỡng các mô-đun 6, 7, 8 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Chú thích ảnh
Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN

Ban quản lý Chương trình ETEP đã hướng dẫn các trường đại học sư phạm chủ chốt chuyển đổi thành công từ bồi dưỡng trực tiếp sang bồi dưỡng trực tuyến qua lớp học ảo và hỗ trợ trực tuyến cho các giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, duy trì các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trên khắp cả nước trong thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Việc thực hiện sáng kiến thay đổi phương thức bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tuyến qua lớp học ảo đã góp phần triển khai, hoàn thành được hoạt động bồi dưỡng của chương trình trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời, tiết kiệm được số tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Đối với việc bồi dưỡng giáo viên đại trà, tính đến 18/3/2022, đã có 59/63 sở triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS). Đã có 580.197 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 4/5 mô-đun bắt buộc trên hệ thống LMS; 387.989 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã hoàn thành tất cả 5 mô-đun bắt buộc. 

Dự kiến đến ngày 30/6/2022 (thời điểm cuối cùng để ghi nhận kết quả của Chương trình ETEP), sẽ có 500.000 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô-đun bắt buộc.

Đánh giá về hoạt động bồi dưỡng từ phía các trường đại học sư phạm, các địa phương và giáo viên cho thấy: Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tiếp cận tổng thể, hệ thống với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quản trị trường học để triển khai thực hiện chương trình theo đúng chủ trương đổi mới, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo viên được trang bị những nội dung cốt lõi về sử dụng phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, xây dựng kế hoạch bài dạy, tư vấn hỗ trợ học tập, giáo dục theo tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cán bộ quản lý được phát triển năng lực quản trị nhà trường theo tiếp cận tiên tiến, kiến tạo môi trường giáo dục hướng tới chất lượng cao. 

Qua việc triển khai bồi dưỡng của Chương trình đã hình thành nên cộng đồng học tập, tự nâng cao năng lực thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ trực tuyến của đội ngũ cốt cán cùng giảng viên sư phạm chủ chốt trong suốt quá trình bồi dưỡng và cả khi giáo viên học xong, áp dụng vào thực tiễn. Bất cứ khó khăn gì trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, giáo viên đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm và của cả đồng nghiệp. 

Tuy nhiên, quá trình bồi dưỡng diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020-2021 nên việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động của Chương trình.

Bên cạnh đó, đội ngũ cốt cán đóng vai trò nòng cốt trong hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên. Song, một số giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán thay đổi công việc, vị trí công tác, sức khỏe nên không tiếp tục tham gia, dẫn đến thiếu hụt cốt cán ở các mô-đun sau. Ngoài ra, có sự mất cân đối về đội ngũ giáo viên cốt cán theo môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có môn giáo viên cốt cán phải hỗ trợ khoảng 100 giáo viên đại trà (trong khi bình quân chỉ 30-50 đại trà/1 cốt cán) dẫn đến quá tải trong hỗ trợ đồng nghiệp.

Các hướng dẫn quy định về điều kiện làm việc của đội ngũ cốt cán trong hỗ trợ đại trà đã được ban hành, nhưng áp dụng còn rất khác nhau giữa các địa phương. Nhiều giáo viên cốt cán bày tỏ chưa hài lòng về ghi nhận và thù lao của cốt cán trong hỗ trợ đại trà, trong khi nhiệm vụ của người giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông khá nặng, tốn nhiều công sức, nhất là đối với các thầy cô có kinh nghiệm và tín nhiệm. 

Cùng với đó, khi triển khai phương thức bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS, điều kiện thiết bị của giáo viên, cán bộ quản lý vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế, nhiều giáo viên phải học qua điện thoại, đường truyền không ổn định.

Thông tin về những điểm mới trong công tác bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ: Trong năm 2022, Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên. Cụ thể, Bộ tiến hành sửa đổi Thông tư số 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thưởng xuyên; trong đó, quy định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên và giao thẩm quyền cho địa phương công nhận kết quả bồi dưỡng hằng năm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. 

Bộ cũng rà soát, điều chỉnh các Thông tư về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Thông tư 01 đến 04). Theo đó, mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi Thông tư ban hành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học để tránh chồng chéo, cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, phù hợp với đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Đồng thời, Bộ rà soát, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo định hướng nhận diện được thực trạng năng lực của đội ngũ, phát hiện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cần quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, từ đó tập trung nguồn lực và đổi mới công tác quản lý để thực hiện có hiệu quả theo từng năm học.

Về phía giáo viên, mỗi nhà giáo phải không ngừng tự bồi dưỡng. Đây chính là quá trình tự cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình công tác. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển, nguồn tài liệu trên internet vô cùng đa dạng và phong phú, bằng kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn thông tin, mỗi nhà giáo cần tự rèn luyện cho mình năng lực tự học để có thể chọn lựa những thông tin bổ ích, thiết thực hỗ trợ quá trình dạy học.

Việt Hà (TTXVN)
Tổng kết 3 năm hợp tác bồi dưỡng giáo dục kỹ năng mềm và tham vấn tâm lý
Tổng kết 3 năm hợp tác bồi dưỡng giáo dục kỹ năng mềm và tham vấn tâm lý

Chiều 19/1, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã có buổi gặp mặt, chúc tết cùng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN