Nghẹn ngào dòng chữ ‘Em ơi cố lên’ gửi vợ của cụ ông mắc COVID-19

Những ngày qua, “cư dân” mạng xúc động về câu chuyện “vợ chồng già xin nhường máy thở cho nhau” đăng tải trên trang Facebook cá nhân của bác sỹ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Chú thích ảnh
"71 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”. Mẩu thư tay của ông A gửi bà L tại Khoa Cấp cứu. Ảnh: Facebook nhân vật.

 

Chú thích ảnh
Cụ bà L và ông A mắc COVID-19 được điều trị tại Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bác sỹ Lê Văn Thiệu cung cấp.

Nhân vật chính trong câu chuyện là bà Trần Thị L (71 tuổi), cùng chồng là ông Trần Ngọc A (72 tuổi), huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai ông bà được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 26/7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Trên trang Facebok, bác sỹ Thiệu viết: “Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng, cho con cho dù... não bà đang thiếu oxy, dù bà có đang thở không ra hơi, dù bà vẫn thều thào nói với chúng tôi. Đáng tiếc cho bà, chúng tôi không thiếu máy”.

Theo lời kể của bác sỹ, trong gia đình, một người bị mắc COVID-19 là cả nhà bị lây nhiễm theo. Gia đình bệnh nhân ông A và bà L cũng không ngoại lệ. Họ cùng vào viện trong tình trạng rất nặng. Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không thành công, tình trạng của cả hai ông bà đều xấu đi... và bà có chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy. Sau khi các bác sỹ giải thích, bà L cần phải được can thiệp để đảm bảo mức oxy cho cơ thể. Bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường cho ông... 

“Chúng tôi phải cố giải thích rằng, mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi, không cần can thiệp ngay như bà. Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ”,  bác sỹ Lê Văn Thiệu kể.

Chú thích ảnh
Các y, bác sỹ ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Facebook nhân vật.

Vài ngày sau bệnh tình của ông A trở nặng, tổn thương phổi trầm trọng hơn, buộc phải chỉ định đặt ống nội khí quản. Tuy nhiên, sau đó, bệnh tình của ông dần tiến triển tốt. Ông A được cai thở máy và rút ống nội khí quản, chuyển sang chế độ thở oxy như trước. Ông như được sống lại lần nữa, nhưng nhìn giường bà bên cạnh, nước mắt ông vẫn lăn dài trên má…

“Ngày 12/8, trời mưa khá to, nhưng có lẽ là một ngày đẹp trời với cả 2 ông bà, khi đều được rút ống thở máy chuyển sang thở oxy thường. Bà được can thiệp sau ông nửa ngày. May mắn, hai ông bà đều đáp ứng máy thở và tiến triển tốt", bác sỹ Thiệu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bác sỹ Lê Văn Thiệu cho biết: "Chỉ cần bệnh nhân tiến triển tốt,  là chúng tôi vui rồi. Khi bệnh nhân được xuất viện về nhà, bác sỹ coi đó là thành công lớn".

Đọc câu chuyện của bác sỹ Thiệu chia sẻ trên mạng, ai cũng cảm thấy nghẹn ngào về tình cảm vợ chồng của 2 cụ già. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, các y, bác sỹ đang ngày đêm tận tâm chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, lời hứa quyết tâm của bác sỹ Thiệu, cũng như các đồng nghiệp của anh: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà" khiến ai cũng nhói lòng. Lời động viên tràn đầy yêu thương của các y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch và lời hứa quyết tâm chiến thắng để trở về, khiến người dân cảm thấy ấm lòng, mặc dù trận chiến chống dịch còn nhiều khốc liệt, chông gai.

Một chi tiết khiến ai cũng nghẹn lại khi gắng đọc mẩu thư tay với dòng chữ run rẩy của ông A gửi vợ, được bác sỹ Thiệu đăng trên mạng. 

Mẩu thư đó được bắt nguồn câu chuyện như sau: 

Tối 12/8, khi đang chăm sóc cho ông, nữ điều dưỡng hỏi: “Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với bà không, để chúng cháu giúp”. Ông A thều thào, cố gắng nói nhưng không rõ tiếng. Cổ họng ông bị ảnh hưởng sau thời gian can thiệp thanh quản. Nữ điều dưỡng vội đưa cho ông một tờ giấy và chiếc bút.

Chú thích ảnh
Bên trong Khoa hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ảnh: Facebook nhân vật.

Tay vẫn còn run rẩy, ông A chậm rãi viết từng dòng chữ: "71 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”.

Bức thư sau đó được nữ điều dưỡng mang đến bên giường bệnh, đọc cho bà L nghe. “Bà vẫn nằm mê man, nhưng khi nghe điều dưỡng đọc xong bỗng chảy nước mắt. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Thiệu nhớ lại.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội đều bày tỏ lời cảm ơn tới bác sỹ Thiệu đã chia sẻ câu chuyện xúc động; đồng thời, chúc toàn thể y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhiều sức khoẻ. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Bên trong trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Bên trong trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức được thiết lập tại Bệnh viện dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN