‘Còn chút hơi thở là còn sự sống’, cộng đồng mạng kêu gọi mua máy trợ thở tặng bệnh viện

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19 tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay chia sẻ, lan tỏa chương trình quyên góp mua máy trợ thở tặng một số bệnh viện phía Nam.

Chú thích ảnh
Mọi người cảm thấy hạnh phúc khi lan tỏa được chương trình ý nghĩa, cứu được mạng người.

Trong gần 12 giờ (từ 19 giờ 30 phút ngày 21/7 đến 6 giờ ngày 22/7), TP Hồ Chí Minh phát hiện thêm 2.433 ca dương tính, đã được Bộ Y tế công bố. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4, TP Hồ Chí Minh có hơn 43.700 trường hợp mắc COVID-19, nhiều nhất cả nước.

Trên trang mạng xã hội, Facebooker Truong Anh Ngoc được nhiều người biết tới đã đăng dòng trạng thái: “Những ngày qua, Quỹ thiện nguyện Hạt Vừng đã quyên góp được hơn 3 tỷ đồng, đủ để mua 32 máy thở cho Sài Gòn, số tiền từ hàng nghìn trái tim đầy ắp tình yêu thương của mọi người”. Không chỉ vậy, tài khoản Truong Anh Ngoc còn đăng ảnh bài báo mang tựa đề “Tuyến cuối cùng giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh:'Mỗi ngày tiếp nhận liên tục 50 - 60 ca nặng. Nhiều lúc bệnh nhân đột ngột ngưng thở’, khiến ai đọc cũng cảm thấy nhói lòng. 

Chú thích ảnh
Xót xa khi nhiều bệnh nhân trở bệnh nặng, ngừng thở vì biến chứng của COVD-19.

Tuyến cuối cùng điều trị COVID-19 chuyên điều trị, tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện cấp 2, quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được nhắc đến là Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu).

Theo tài khoản Truong Anh Ngoc, anh và Nhóm Hạt Vừng định ngừng chương trình quyên góp tiền mua máy thở nhưng lại không thể cầm lòng khi vừa nhận được tin nhắn từ Trưởng nhóm thiện nguyện Hạt Vừng là anh Bùi Ngọc Hải có nội dung “Vừa mới nhận được lời nhắn của một người em phóng viên đang gồng mình làm thiện nguyện ở Sài Gòn, chúng tôi nổi hết da gà. Em nói có bệnh viện ở Thủ Đức chỉ có 1 máy thở, trong khi bệnh nhân nặng lên đến 6 - 7 người phải dùng máy. Và, bác sĩ phải lựa chọn ai mới được dùng máy. Đau xót! Em cũng chỉ dám xin cho 3 bệnh viện, mỗi bệnh viện 1 máy thở thôi, vì biết các nơi khác cũng rất khó khăn...”.

Với thông điệp “Mỗi chiếc máy có thể cứu sống ít nhất 1 mạng người”, Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng lại thực hiện sứ mệnh của mình là kêu gọi cộng đồng mạng chung tay ủng hộ thêm tiền để mua 3 máy thở (300 triệu đồng/3 máy) để gửi về bệnh viện ở Thủ Đức; đồng thời tiếp tục nhận tiền đóng góp để mua găng tay y tế, quần áo bảo hộ, test xét nghiệm...gửi tặng các y bác sỹ đang ngày đêm chống dịch. 

Chú thích ảnh
"Của ít, lòng nhiều", người dân đồng lòng ủng hộ công cuộc chống dịch. 

“Còn chút hơi thở là còn sự sống” là dòng tâm tư trên mạng của tài khoản Tran Mai Anh. Nick Tran Mai Anh chia sẻ: 33 máy thở HFNC, CPAP của nhóm thiện nguyện Hạt Vừng đã được gửi gấp tới các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, Bệnh viện Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Hiện, Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng tiếp tục kêu gọi sự chung tay của cộng đồng mạng để mua 10 máy thở tặng gấp Bệnh viện Đa khoa Củ Chi.

Tài khoản Tran Mai Anh trích dẫn nội dung của một tờ báo về tình hình số ca nặng tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi đang tăng lên mạnh. Bệnh viện này có hơn 700 bệnh nhân nhưng chỉ có 15 máy thở cả xâm lấn và không xâm lấn, trong đó số bệnh nặng là hơn 50 trường hợp. “Các trường hợp đang thở máy là những ca bệnh nặng, hiện bệnh viện đang cố gắng điều tiết để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian tới nếu ca bệnh tiếp tục tăng lên thì nhu cầu về trang thiết bị là rất cần thiết để đáp ứng tối đa các giải pháp cứu chữa bệnh nhân”, bác sỹ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi cho biết.

Dịch COVID-19 hoành hành dai dẳng đang bào mòn cuộc sống của nhiều người dân nghèo, còn ngành Y phải làm việc cật lực. “Đứng ngồi không yên”, tài khoản Lê Kiên Thành, Nguyễn Tiên Long cùng với Gotami Nguyễn và 6 người khác viết: “Hướng về Sài gòn, nhà tôi ở đó…. Dù không ở Sài Gòn những ngày này nhưng lòng mình luôn hướng về thành phố thân thương, nơi đã bao bọc, chở che mình và gia đình. Gia đình mình cùng chia sẻ với quê hương thứ 2 những gì cần nhất lúc này”.

Theo chia sẻ của các tài khoản trên, họ không kêu gọi và không nhận tiền của ai mà làm thiện nguyện từ nguồn tài chính của gia đình để tặng một số bệnh viện ở khu vực phía Nam gồm: Một nhà contener di động để khám sàng lọc COVID-19 cho bệnh nhân; 5 hệ thống thở trị liệu oxy dòng cao; hàng nghìn đồ bảo hộ dành tặng các y bác sỹ; hỗ trợ tài chính cho vài nhóm thiện nguyện giúp người dân nghèo.

Chú thích ảnh
Các nhân viên lắp máy thở theo chương trình ủng hộ máy thở của VPBank. Ảnh: Sao Mai/VPBank.

“Các thiết bị mình đang mua mặc dù đã thanh toán trước nhưng do cháy hàng nên một số đơn vị nhận hàng chậm hơn dự kiến. Mình đã cố gắng hết sức, mong các đơn vị nhận tài trợ hết sức thông cảm. Đây là những công việc mình đã thực hiện xong, chắc chắn mình sẽ tiếp tục thực hiện tiếp, nhất là ưu tiên mua máy thở để cứu bệnh nhân nặng. Sài Gòn chỉ cần 1 cái máy thở sẽ cứu được từ một đến vài người”, tài khoản Lê Kiên Thành cho biết.

Chú thích ảnh
Dòng trạng thái của nick Nguyễn Quyết khiến nhiều người càng thêm trân quý sức khỏe và sự sống của mình.

Dịch bệnh phức tạp nhưng tình người mãi tỏa lan. Cả nước đang hướng về TP.Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành cũng đang gồng mình chống dịch.
 “…Cả đất nước đều đang vì Sài Gòn, dành những gì tốt nhất cho Sài Gòn giữa những ngày dịch bệnh. Bốn đợt dịch COVID-19 ở Việt Nam, tôi cũng chứng kiến những điều tương tự: Khi dịch bùng lên ở Đà Nẵng, cả nước dồn vào tập trung ủng hộ Đà Nẵng. Khi dịch bệnh căng thẳng ở Bắc Giang, tất cả không tiếc sức mình chi viện cho Bắc Giang. Và hôm nay, đến lượt Sài Gòn nhận được sự giúp đỡ đó…Ngày mai, nếu cả nước gặp khó khăn 1.000 lần, thì Sài Gòn cũng sẽ không chần chừ vì cả nước mà hy sinh 1.000 lần”, tài khoản Ngô Nguyệt Hữu trích dẫn bài viết của KT Le (Lê Kiến Thành)

Chú thích ảnh
Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia do Tập đoàn Viettel xây dựng và phát triển gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng. Ảnh: Diệu Linh/Viettel.
                 Ngân hàng, viễn thông hỗ trợ gấp máy thở và cử nhân sự hỗ trợ tiêm chủng

Ngân hàng VPBank vừa hỗ trợ gấp 715 máy thở cho các tỉnh thành phía Nam, còn Viettel cử nhân sự công nghệ hỗ trợ chiến dịch tiêm chùng COVID-19 quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh. 

Từ nay tới ngày 30/7, có 715 máy thở bao gồm 215 máy thở xâm nhập và không xâm nhập chức năng cao và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao sẽ được VPBank bàn giao khẩn cấp cho Bộ Y tế. Theo đó, VPBank chi gần 150 tỷ đồng mua máy thở, hỗ trợ khẩn cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, VPBank đã ký hợp đồng đặt mua 715 máy thở các loại, bao gồm: 21 máy thở xâm nhập và không xâm nhập chức năng cao, model Puritan Bennet 840 và 980; 194 máy thở chức năng cao model Carescape R860 V11 và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao, model VUN-001 để bàn giao cho Bộ Y tế nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ngày 21/7, Tập đoàn Viettel đã cử 150 cán bộ nhân viên sẵn sàn hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác vận hành Ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia trong đợt tiêm chủng quy mô lớn tại đây. Trước đó, lực lượng này đã có 1 tuần để diễn tập và tập huấn cho 10 điểm tiêm tại 10 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.  Đội hỗ trợ của Viettel được chia làm 3 nhóm, tham gia hỗ trợ từ cấp Thành phố đến từng địa điểm tiêm tại các phường. 
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Chuyên gia y tế: Người dân tự mua máy thở, tích trữ oxy là lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Chuyên gia y tế: Người dân tự mua máy thở, tích trữ oxy là lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế khẳng định: Người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí oxy vì cách làm này vừa lãng phí do người dân không thể tự sử dụng vừa gây nên sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN