Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, hiện trên toàn tỉnh có 109 mỏ được cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực cho 80 tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, chiếm phần lớn là các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Mặc dù đã được đầu tư đổi mới công nghệ khai thác tiên tiến, quy trình và biện pháp thi công ngày càng chặt chẽ nhưng công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn là thách thức không nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn.
Ông Ngô Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật, Chỉ thị của tỉnh về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trọng tâm là tăng cường giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn lao động; việc chấp hành quy trình, nội quy an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản; kiểm tra, rà soát văn bằng, chứng chỉ và công tác huấn luyện an toàn cho chủ doanh nghiệp; kiểm tra việc trang bị dụng cụ bảo hộ cho người lao động.
Huyện Lục Yên là địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Yên Bái cấp 38 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, với tổng diện tích hơn 650 ha, trong đó, giấy phép khai thác đá trắng là 25 mỏ, toàn bộ được khai thác theo phương pháp lộ thiên. Để phòng ngừa và hạn chế các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra, huyện Lục Yên yêu cầu, các doanh nghiệp ký cam kết đầu tư công nghệ khai thác tiên tiến, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định để bảo đảm an toàn trong khai thác.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Nông Thu Hà cho biết, huyện triển khai nghiêm các nội dung kiểm tra, bám sát hiện trường khai thác, cương quyết đề xuất tạm dừng những doanh nghiệp cố tình không thực hiện quy định về đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời nhắc nhở kịp thời bằng văn bản và yêu cầu doanh nghiệp trang bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng các phương tiện, thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã có nhiều nỗ lực lập lại trật tự, chấm dứt nạn khai thác khoáng sản không phép, đưa ra khởi tố một số vụ án trong lĩnh vực này. Song bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn ở khâu giám sát hằng ngày. Đặc biệt là giám sát những đơn vị hoạt động khai thác có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho rằng, nhiều vấn đề hiện hữu, thiếu sót, tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản kéo dài từ nhiều năm đã được giải quyết, như: Chiều cao tầng tuyến; xử lý triệt để các vị trí nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn; khai thác không đúng thiết kế, trình tự đã được phê duyệt; duy trì khoảng cách an toàn với khu dân cư... Nhất là đã khắc phục tình trạng thiếu bảo hộ lao động, trang thiết bị đặc thù phục vụ việc đảm bảo an toàn trong khai thác.
Tuy nhiên, thực tế vẫn rất khó khăn trong giám sát các khâu an toàn về sử dụng vật liệu nổ hằng ngày, đó là quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng thuốc mìn; khối lượng thuốc mìn cho một lần nổ; thời gian nổ mìn và cảnh giới an toàn, mức độ rung chấn... những điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp.
Là địa phương có trữ lượng đá trắng lớn nhất tỉnh Yên Bái, phần lớn diện tích của xã Mông Sơn, huyện Yên Bình nằm trên vùng mỏ đá vôi trắng quý hiếm. Hoạt động khai thác đá diễn ra rầm rộ với quy mô lớn. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn lao động tại mỏ đá.
Ông Lưu Quang Cường, Giám đốc mỏ đá Hoa trắng Mông Sơn, Công ty Phát triển số 1, huyện Yên Bình cho biết, đi đôi với đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến vào khai thác, doanh nghiệp đã tập huấn cho 100% người lao động hiểu biết, vận hành thành thạo trang thiết bị; tập huấn biện pháp phòng tránh và xử lý tình huống sự cố, sơ cứu tai nạn lao động; nắm chắc kỹ thuật, kỹ năng đo đạc, kiểm tra thông số an toàn. Do vậy, nhiều năm qua không xảy ra tai nạn lao động tại công trường khai thác của Công ty.
Tuy các biện pháp đảm bảo an toàn lao động đã được triển khai sâu rộng nhưng hằng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra, tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản; chú trọng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Đồng thời đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định pháp luật về kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp tình hình thực tế, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường. Đặc biệt, điều chỉnh bổ sung quy định về dịch vụ nổ mìn; đồng bộ và quy chuẩn hóa từ khâu thiết kế xây dựng, thiết kế khai thác đến việc áp dụng các biện pháp nổ mìn tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp ít gây tiếng ồn và khói bụi, nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.