Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản; phối hợp, trao đổi thông tin, kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản. Ảnh tư liệu, minh họa: TTXVN phát

Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khoáng sản; nâng cao ý thức tham gia bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; không tham gia, tiếp tay cho hoạt động khai thác cát trái phép, chủ động tố giác các hành vi khai thác cát trái phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường làm tốt công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác thẩm định, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Ngành rà soát, đánh giá trữ lượng khoáng sản (cát sông, cát biển) chưa khai thác trên địa bàn, cung cấp thông tin đến các đơn vị liên quan và địa phương để chủ động triển khai phương án, biện pháp bảo vệ khoáng sản. Đồng thời, kiểm tra, xác định trữ lượng đã khai thác của các mỏ cát đã được cấp phép; tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh gia hạn hoặc thu hồi giấy phép theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là các hành vi khai thác ngoài phạm vi, vượt trữ lượng cấp phép, thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Sở phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ trữ lượng khoáng sản đã khai thác tại các mỏ đã được cấp phép; tham mưu, đề xuất đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, làm ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường.

Đơn vị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng khảo sát, đánh giá tác động của việc khai thác cát ảnh hưởng đến môi trường, tình trạng sạt lở bờ sông, từ đó có biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản trong tỉnh. Đồng thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trong khu vực biên giới biển, khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào các mỏ được cấp phép khai thác. Công an tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, địa phương tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản; chủ động tổ chức mật phục, kiểm tra đột xuất, bất ngờ tại các mỏ cát, các khu vực, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, khai thác quá sản lượng, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, trốn thuế,… nếu đủ điều kiện thì xử lý hình sự để răn đe đối tượng vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nếu không ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn.

Thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản trái phép còn diễn biến phức tạp, như khai thác ngoài phạm vi cấp phép, trốn thuế, mua bán hóa đơn, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp... Nhiều đối tượng sử dụng phương tiện hoán cải để khai thác cát trái phép; lợi dụng địa bàn giáp ranh với các tỉnh để khai thác trái phép gây khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh Trần Văn Hùng cho biết, hiện nay tỉnh Trà Vinh có 2 mỏ cát biển được cấp phép và đang hoạt động khai thác. Trong đó, mỏ số 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Du lịch biển Ba động Trà Vinh khai thác tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải; mỏ số 2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn TM - XD - VT Quốc Việt khai thác tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, ngành chức năng đã tổ chức 1.133 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện 247 trường hợp vi phạm, xử phạt tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng; tịch thu nhiều tang vật và phương tiện vi phạm.

Thanh Hòa (TTXVN)
Phú Thọ: Phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực giáp ranh
Phú Thọ: Phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực giáp ranh

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, ngày 28/5, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ có văn bản số 1270/TNMT-KS&TNN gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Nga, là các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các xã Thái Hòa, Phong Vân, thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN