Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh, UKVFTA. Trong ASEAN, mới chỉ có Singapare và Việt Nam đã ký FTA với Anh. Việt Nam là nền kinh tế sản xuất hàng hóa lớn tại khu vực, vì vậy có lợi thế lớn so với các nước ASEAN chưa ký FTA với Anh khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này nhờ những ưu đãi miễn, giảm thuế theo hiệp định.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời gian qua đã tăng vượt bậc trên thế giới nhờ những thành tích nổi bật không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn về ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống COVID-19. Ông Cường khẳng định những giá trị thương hiệu quốc gia này đang tạo nên những hiệu ứng rất tích cực trong tâm lý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh. Thêm vào đó, Việt Nam được doanh nghiệp và người dân Anh đánh giá cao: Người Việt Nam chăm chỉ; sinh viên Việt Nam học giỏi; sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao; đặc biệt thế hệ doanh nhân trẻ của Việt Nam rất năng động, trình độ tiếng Anh giỏi, tạo được niềm tin với các đối tác Anh trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định Anh có thể gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2023 và trong quá trình này, Anh bày tỏ thiện chí sẽ có thêm những cam kết mở cửa thị trường cho một số sản phẩm của Việt Nam, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Anh và xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt những lợi thế này khi xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng đáng kể trong năm nay. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 5,22 tỷ USD, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,07 tỷ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Anh đạt gần 4,65 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Cường nhận định, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu sang Anh sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là gạo, trong đó có gạo ST25, có thể tăng mạnh trong quý 4/2022 và hai tháng đầu năm 2023.
Từ đầu năm 2022, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã phối hợp tổ chức rất nhiều phiên tư vấn, kết nối giao thương nhằm cung cấp thông tin về thị trường, đồng thời tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam về tập quán kinh doanh ở Anh để có thể tạo lập niềm tin và thiết lập quan hệ đối tác ban đầu với các doanh nghiệp Anh - bước chuẩn bị cho những hợp đồng xuất khẩu hàng hóa trong tương lai. Các phiên tư vấn tập trung vào thị trường đồ gỗ, nông sản, quần áo và một số sản phẩm giáo dục, đặc biệt là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ UKVFTA và những sản phẩm mà Anh có nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi một số nguồn cung cấp truyền thống của Anh từ Ukraine, Nga, Trung Quốc và một số nước thành viên EU đang bị gián đoạn.
Thương vụ cũng tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại, như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thương mại điện tử lớn nhất thế giới White Label Expo tại London vào tháng 2; Hội chợ đồ gỗ ở Birmingham tháng 4; Chương trình giới thiệu thực phẩm Việt Nam tại London tháng 6 và tại Nottingham tháng 7; Tọa đàm cơ hội hợp tác Smart Cities giữa doanh nghiệp hai nước vào tháng 10, và Hội chợ về các sản phẩm có nguồn gốc thực vật tại London VegFest London tháng 11.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết trong năm tới, Thương vụ sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu của Việt Nam sang Anh, trong đó có tham gia hội chợ đồ gỗ lớn nhất ở Anh January Firniture Show tại Birmingham vào đầu năm 2003. Thương vụ cũng tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Anh, đặc biệt là các hoạt động quảng bá thương hiệu quốc gia.
Nói về những thách thức tại thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay khoảng cách địa lý khá xa giữa hai nước khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Anh cao, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, giá nhiên liệu cao cũng khiến chi phí vận tải và bảo hiểm hàng hải tăng. Một thách thức khác là sự khác biệt về phương pháp và tập quán kinh doanh giữa hai nước. Ông Cường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ và điều chỉnh phương pháp và tập quán kinh doanh để phù hợp với thị trường Anh, tạo được sự tin cậy với các đối tác Anh thì mới có thể ký kết được những hợp đồng với các doanh nghiệp lớn và các nhà phân phối có hệ thống phân phối trên toàn nước Anh.
Về cơ hội, ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định UKVFTA tiếp tục là yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh cho rất nhiều sản phẩm Việt Nam trên thị trường Anh; nhận định mặc dù trải qua những biến động lớn về chính trị và kinh tế gần đây, Anh vẫn là một thị trường lớn, có sức mua ổn định và về lâu dài, doanh nghiệp Anh vẫn là một trong những bạn hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tin cậy và xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài.