Xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 đạt 592 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua đạt 3,41 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với những tín hiệu khởi sắc đặc biệt về thị trường, có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng cả năm đạt mốc 6,5 tỷ USD.


Nguyên liệu bớt căng thẳng


 

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Kinh doanh chế biến thủy sản xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Hiện nay, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã ổn định hơn so với những tháng đầu năm. Do tình hình dịch bệnh đã giảm, sản lượng một số loài thủy sản chủ lực có khả năng tăng nên nguồn cung nguyên liệu đã bớt căng thẳng.


Nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, sản lượng khai thác tháng 7 tăng khá đã đưa sản lượng khai thác thủy sản 7 tháng qua đạt 1.528 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng đạt 1.781 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ.


Đặc biệt, trong tháng 7, sản xuất tôm khá thuận lợi do các địa phương thực hiện đúng lịch thời vụ nuôi trồng. Một số địa phương có diện tích và sản lượng tôm đạt khá. Trong đó, tại Cà Mau, diện tích nuôi tôm sú đạt khoảng 266.000 ha, cho sản lượng trên 67.000 tấn. Tại Bạc Liêu, diện tích tôm sú là 117.422 ha cho sản lượng 31.153 tấn. Diện tích nuôi thẻ chân trắng cũng tăng ở nhiều địa phương. Tại Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 8.392 ha cho sản lượng 11.000 tấn. Tại Bến Tre, diện tích diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 3.607 ha cho sản lượng 9.000 tấn. Một số tỉnh như Long An, Sóc Trăng có diện tích thả nuôi và sản lượng tôm nước lợ cũng tăng đột biến.


Là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới nhưng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, nhất là thiếu tôm và cá tra. Nguyên nhân là do khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh chi phí cao nên người chăn nuôi treo ao... Vì vậy, việc tăng nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong đó có mặt hàng tôm sẽ giúp tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản.


Thuận lợi về thị trường


Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm 20,5% tổng kim ngạch. Riêng 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 578,6 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Thái Lan cũng có tăng trưởng đáng kể với mức tương ứng đạt 55% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.


Những tháng cuối năm, dự báo khó khăn với xuất khẩu thủy sản vẫn nhiều. Trong đó, cần đề phòng thời tiết cuối năm tiềm ẩn diễn biến nhiều bất thường; chi phí đầu vào cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản tăng do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, điện...; người nuôi và doanh nghiệp thiếu vốn; các nước nhập khẩu thắt chặt các quy định kiểm tra chất lượng.


Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị trường do tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản của một số quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết, do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm, sản lượng xuất khẩu tôm Thái Lan năm nay sẽ giảm 50% so với trung bình hàng năm, chỉ đạt khoảng 350.000 tấn. Hiệp hội các nhà xuất khẩu Pêru cũng cho hay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước này trong 5 tháng đầu năm giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.


VASEP cho biết, tôm, cá tra, cá ngừ tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Để giữ được thị trường xuất khẩu, về mặt nuôi trồng, cần rà soát diện tích nuôi, đảm bảo điều kiện nuôi an toàn và phòng chống dịch bệnh tốt, đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm rủi ro. Về mặt khai thác, cần khuyến khích ngư dân hoạt động xa bờ theo hình thức tổ đội, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm để giảm thất thoát...


Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới, sẽ mạnh tay hơn để xử lý những về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra chất an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất con giống cho đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.


Bên cạnh đó, để duy trì tăng trưởng, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, EU... doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm và chuyển hướng sang một số thị trường mới tiềm năng, nhất là các thị trường châu Á.


Mạnh Minh

Tìm thêm dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng 7 tháng trên 14%. Nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần: quý 1 tăng 18%, quý 2 tăng 16%, 7 tháng tăng 14%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN