Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng 7 tháng trên 14%. Nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần: quý 1 tăng 18%, quý 2 tăng 16%, 7 tháng tăng 14%. Nguyên nhân khách quan đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp như gạo, cà phê, cao su... mặc dù tăng về khối lượng nhưng giá giảm nhiều. Do đó, để đạt mức tăng kim ngạch xuất khẩu, cần tìm thêm dư địa cho xuất khẩu nông, lâm sản.
Xuất khẩu nông sản giảm
Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 9,8% so với tháng 7/2012, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 19,5% so với tháng 7/2012.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 43,96 tỷ USD, tăng 26,3%. Xuất khẩu khu vực này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
“Tỷ trọng hàng nông nghiệp xuất khẩu bình thường các năm trước đây chiếm 20 - 25%, nhưng 7 tháng chỉ chiếm hơn 15%, đây là điều đáng lo ngại. Do đó, cần tìm thêm các dư địa để thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Cơ cấu hàng xuất khẩu đã đa dạng hơn và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, dầu thô, giày dép... Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm trên 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 11,23 tỷ USD, giảm 8,6%. Tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm thủy sản cũng giảm xuống mức 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh như: cà phê giảm 22,8%; gạo giảm 13,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 22,4%; cao su giảm 17,6%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản giảm do giá bình quân của hầu hết mặt hàng xuất khẩu tiếp tục giảm: nhân điều giảm 7,9%; giá hạt tiêu giảm 4,8%; gạo giảm 3,6%. Cùng với đó, một số mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm mạnh như: cà phê giảm 23,9%; gạo giảm 9,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 27,1%... do nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước giảm, tính cạnh tranh không cao.
Kim ngạch xuất khẩu cuối năm sẽ tăng
Cùng với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt gần 5,76 tỷ USD, giảm 15,0%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,55 tỷ USD, tăng 25,8%, giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Mặc khác, tuy xuất khẩu giảm dần nhưng nhập khẩu vẫn đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và được kiểm soát tương đối tốt. Với xu hướng nhập khẩu tăng dần, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nghiêng về nhập siêu nên tính đến hết tháng 7 nhập siêu đã được thu hẹp xuống 733 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xét theo yếu tố chu kỳ, xuất khẩu các tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm. Do đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ở mức 128 tỷ USD, tăng khoảng gần 2 tỷ USD so với mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao.