Xuất khẩu rau quả Việt Nam - Tiềm năng lớn, nhiều thách thức

Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá thuận lợi cho việc trồng các loại rau, hoa quả để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2007 đến nay, ngành rau quả xuất khẩu luôn tăng trưởng 2 con số. Đây được coi là những tín hiệu đáng mừng cho ngành rau củ quả Việt Nam.


Phấn đấu đạt 1 tỉ USD


Hiện, diện tích trồng rau, hoa quả ở nước ta có hơn 823.000 ha với năng suất đạt 170 tạ/ha. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng rau củ quả lớn nhất cả nước... Theo quy hoạch phát triển đến năm 2015, diện tích trồng rau của cả nước ước đạt 900.000 ha tăng 15,4% và đến năm 2020 diện tích này là 1.200.000 ha tăng gần 54% so với hiện nay.


Thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn thông qua các siêu thị.


Theo ông Nguyễn Thế Nhuận, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất và xuất khẩu rau ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa phát huy được tiềm năng. Nếu như hồ tiêu, cà phê, nhân hạt điều, gạo... đều ở tốp dẫn đầu các nước xuất khẩu thì rau quả nói chung vẫn “lẹt đẹt” sau các nước. Ngoài ra, rau quả Việt Nam hiện đang dựa quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 60%, điều này khó tránh khỏi những rủi ro.


Theo nhận định của Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả phải đến năm 2015 mới có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm. Nguyên nhân là trong một thời gian khá dài, từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, việc xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng trưởng rất chậm. Từ năm 2007 trở lại đây, việc xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu khởi sắc khi tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bình quân 20- 25%/năm. Nếu như năm 2007 kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 305 triệu USD, thì đến năm 2012 tăng lên 770 triệu USD. Những tháng đầu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:

 Phải sản xuất rau an toàn

Nhằm đạt mục tiêu 2,5 triệu tấn rau và tăng tỷ trọng xuất khẩu 30 -35% vào năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung vào công tác chọn tạo các giống rau nhập nội mới năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chú trọng các chủng loại rau cao cấp đặc sản hoặc có tiềm năng xuất khẩu như cà rốt, bó xôi, cải bắp và các loại rau xà lách... hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất nông dược có độ độc cao, tập trung chỉ đạo sản xuất, đã sản xuất rau là phải sản xuất rau an toàn (SXRAT). Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm rau Lâm Đồng. Tiếp tục có chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư FDI sản xuất và tiêu thụ rau trong những năm tới, chú trọng thu hút các dự án chế biến rau quả. Đồng thời nâng cao năng lực hoạt động và tổ chức của các hợp tác xã...

Thạc sỹ Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban, Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM:

Cần tích hợp hệ thống thông tin thị trường

Thông tin thị trường nông sản ngày càng quan trọng bởi việc phổ biến thông tin kịp thời sẽ giảm được các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu thông tin thị trường yếu kém sẽ khiến thị trường nông nghiệp phát triển yếu, không hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thông tin vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ thu thập thông tin thị trường, xử lý cho đến việc phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống để phổ biến thông tin đến nông dân. Thực tế, hệ thống thông tin thị trường của chúng ta nằm rải rác ở các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Sở CôngTthương, Viện nghiên cứu và phát triển... Vì thế, việc tích hợp hoặc thống nhất cấu trúc của hệ thống cũng như tăng cường khả năng liên kết thông tin trong hệ thống này chưa phát huy được tác dụng. Do đó, sắp tới nếu chúng ta tích hợp hệ thống thông tin thị trường sẽ cung cấp nhiều thông tin mang tính hệ thống và đa dạng hơn, đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà quản lý.

TS. Võ Mai, Hội làm vườn Việt Nam:

Xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn, tiến bộ

Chúng ta có thể quy hoạch xây dựng vùng SXRAT tập trung theo tiêu chuẩn VietGap như trồng rau trong nhà lưới, nhà plastic theo mô hình kinh tế tập thể. Từ mô hình này, sẽ cho ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao với giá thành cạnh tranh đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, phải xây dựng chuỗi sản phẩm rau an toàn, hiện đại, tạo điều kiện để nhà sản xuất trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng, có cơ hội tiếp xúc với kỹ thuật mới và thông tin thị trường trong và ngoài nước nhằm giảm chi phí phục vụ trung gian, tạo giá có sức cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ trước và sau thu hoạch để đảm bảo VSATTP, lưu giữ rau tươi lâu và giảm thất thoát sau thu hoạch.


Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau củ quả, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang cũng chia sẻ: Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2013 của công ty đạt 5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là số lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng. Còn theo ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long hoàng hậu Bình Thuận cũng cho biết, số lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 20% và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị trường xuất khẩu thanh long hiện đang thuận lợi và tiếp tục triển vọng trong những năm tiếp theo. Quan trọng là cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tăng cơ hội xuất khẩu vào những thị trường khó tính.


Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ rau của thế giới tiếp tục tăng từ 3 - 3,5%, trong khi sản lượng rau quả sản xuất ra chỉ đạt khoảng 2,8%. Sự thiếu hụt nguồn cung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hiện rau củ quả của Việt Nam đang có mặt tại 50 thị trường trên thế giới. Đặc biệt kể từ ngày 30/6, rau quả tươi của Việt Nam được cấp phép kiểm dịch để xuất khẩu trở lại vào các nước thuộc liên minh châu Âu (EU), sau hơn một năm bị tạm ngưng xuất khẩu. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để rau quả Việt Nam tăng tốc trở lại ở những thị trường này và mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả tươi 1 tỷ USD trong năm 2013 là có thể “nằm trong tầm tay”.


Còn nhiều khó khăn


Mặc dù thị trường xuất khẩu đang rộng mở, nhưng ngành rau quả vẫn gặp không ít khó khăn như thiếu số liệu thống kê xuất khẩu, dẫn đến công tác dự báo tình hình xuất khẩu và giá cả thị trường bị hạn chế; rau quả được chứng nhận VietGap còn quá ít nên doanh nghiệp phải mua thêm hàng không có chứng nhận VietGap dẫn đến nhiều loại rau quả không đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Vì vậy, dù thị trường xuất khẩu tốt nhưng doanh nghiệp trong nước lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu.


“Hiện chúng ta còn thiếu một chương trình đồng bộ có mục tiêu về phát triển sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả của Việt Nam. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức và tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập nên nhiều quy hoạch diện tích trồng rau, hoa quả trở thành quy hoạch treo; diện tích canh tác quy mô nhỏ gây trở ngại cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Thiếu hệ thống tiếp thị hợp tác, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ, thiếu những người sản xuất có năng lực xuất khẩu, chất lượng không đồng đều...”- Ông Nguyễn Thế Nhuận cho biết.


Mặt khác, hiện mức đầu tư của Nhà nước về con người, nghiên cứu, đất đai và lao động cho các loại rau củ quả kém xa so với cây lúa. Cụ thể, chúng ta dành 7 triệu ha đất cho gieo trồng lúa, trong khi đó diện tích dành cho rau củ quả chỉ khoảng 823.000 ha. Nếu xét ở góc độ kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp như vậy là chưa hợp lý.


Mặc dù chúng ta có sản lượng rau quả đứng thứ 5 ở châu Á, nhưng có đến hơn 80% là tiêu thụ nội địa. Chẳng hạn như tỉnh Lâm Đồng có năng suất trồng rau, quả lớn nhất nước nhưng thị trường tiêu thụ chính chủ yếu là trong nước, trong đó thị trường truyền thống là khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã bắt đầu chú trọng hướng xuất khẩu tới những thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Campuchia... nhưng chúng ta lại gặp phải nhiều rào cản từ thủ tục, giấy tờ đến chất lượng. Chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, hầu hết trái cây của Việt Nam đã được “ghi” vào danh sách cấm với hơn 30 loại.


Bên cạnh đó, cả nước có 60 nhà máy chế biến rau quả với công nghệ, thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, công suất hoạt động thực tế của những nhà máy này chỉ đạt 20-30%. Nguyên nhân là một số nhà máy xây dựng xong thiếu nguyên liệu, các vùng nguyên liệu xa nhà máy, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu được. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến ngành rau quả Việt Nam gặp khó khăn là đa số các giống rau, hoa quả không ổn định cả về chất lượng và giá thành, gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Mỗi năm Việt Nam phải chi 200 triệu USD nhập khẩu các loại hạt giống phục vụ ngành trồng trọt trong nước.


Với những đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường trong nước và nước ngoài về chất lượng rau quả, việc hình thành và mở rộng diện tích vùng sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGap là nhu cầu cấp bách. Mặt khác, muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản chúng ta phải sản xuất ra những loại rau củ quả đảm bảo an toàn vệ sinh, có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap.


Theo các chuyên gia kinh tế, để cung cấp cho thị trường trong nước và tiềm năng xuất khẩu to lớn, rau quả Việt Nam phải đảm bảo về an toàn chất lượng, hình thành các vùng tập trung, xác định các quy chuẩn về các mặt nhất là về chất lượng VSATTP. Trước mắt chúng ta cần khắc phục hạn chế lớn nhất là tình trạng trồng theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán, không có vùng tập trung, dẫn đến quy cách, phẩm chất sản phẩm chưa đồng đều. Với sản phẩm như vậy, phần lớn rau quả Việt Nam tiêu thụ chủ yếu trong nước. Điều này có thể giải quyết bằng việc liên kết, hợp tác tạo nên cánh đồng lớn trồng rau, quả trong tương lai.


Ông Nguyễn Thế Nhuận cũng cho biết, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm, xúc tiến thương mại thành lập các hiệp hội trong đó chú trọng hiệp hội ngành hàng nhằm cung cấp thông tin thị trường cho nhà sản xuất, thành lập trung tâm giao dịch quy hoạch cho nhà sản xuất cũng như đơn vị xuất khẩu. Hình thành các tổ chức có đủ năng lực đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngoài ra chúng ta cần có chính sách phù hợp như thuế, cho vay tín dụng, hỗ trợ đất đai...


Vì vậy, sắp tới sản phẩm rau quả của Việt Nam sẽ được quảng bá đến các hội nghị tham tán ở các nước tổ chức tại Việt Nam và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiệp hội rau củ quả cũng sẽ tổ chức nhiều hội chợ rau quả xuất khẩu trong và ngoài nước để quảng bá cho rau quả Việt Nam.


Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong năm nay các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội dự kiến tăng cường xuất khẩu rau, quả gắn với từng thị trường cụ thể. Ở những thị trường này các doanh nghiệp sẽ tập trung xuất khẩu với chiến lược bài bản, hợp tác chặt chẽ với những nhà nhập khẩu, phân phối lớn đưa sản phẩm Việt Nam vào tận chợ đầu mối, siêu thị của nước sở tại.


Mặt khác, để ngành rau quả trong nước phát triển bền vững, đồng thời không ngừng tăng năng khả xuất khẩu, nước ta cần tập trung theo hướng phát triển rau công nghệ cao, song song đảm bảo những quy trình chất lượng sản phẩm, xây dựng các nhà máy chế biến rau quả để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.



Đan Phương - Hoàng Tuyết

Rau quả VN lại sang châu Âu sau 1 năm bị ngừng cấp phép
Rau quả VN lại sang châu Âu sau 1 năm bị ngừng cấp phép

Từ ngày 30/6, rau quả tươi của Việt Nam sẽ được cấp phép kiểm dịch để xuất khẩu vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau hơn một năm bị ngưng lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN