Xuất khẩu gạo trong tình hình mới - Bài 1: Khẳng định vị thế của gạo Việt Nam

Vài tuần trở lại đây, cả thế giới chung một mối lo về đảm bảo an ninh lương thực bởi sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc.

Chú thích ảnh
Bốc xếp, vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngoài tác động của El Nino, câu chuyện bắt đầu nóng hơn khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen… đã tăng thêm lo ngại cho thị trường lương thực thế giới. Với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhất là lúa gạo, Việt Nam vẫn thực hiện “tròn vai” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài "Xuất khẩu gạo trong tình hình mới" nhằm phân tích những góc nhìn đa chiều về ngành lúa gạo hiện nay cũng như định hướng chiến lược của ngành trong tình hình mới.

Bài 1:  Khẳng định vị thế của gạo Việt Nam

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường lương thực thế giới nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam sẽ hành động một cách có trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ, cung ứng lúa gạo cho các quốc gia có nguy cơ mất an ninh lương thực.

Hài hòa các mục tiêu

Đánh giá lại tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua, ông Trần Duy Đông- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của Việt Nam liên tục đạt được kết quả tích cực cả về lượng và trị giá. 

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,84 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng gần 19% về lượng và tăng trên 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt. 

Đặc biệt, kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, hầu hết các quốc gia nhập khẩu đều “đổ dồn” sang Việt Nam, Thái Lan tìm kiếm phương án thay thế. Hiện tại, thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang hướng tới mua gạo Việt Nam với giá cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, với sản lượng dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn lúa, sau khi đã để tiêu dùng nội địa (bảo đảm an ninh lương thực trong nước và chế biến, làm giống, thức ăn chăn nuôi), Việt Nam có thể xuất khẩu được trên 7,5 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 tấn so với năm trước.

Về nguồn cung lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, Bộ sẽ tập trung bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là thời tiết, để trên cơ sở đó có sự điều chỉnh cơ cấu giống, thời vụ phù hợp nhất. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra giám sát, bảo đảm lúa sản xuất không bị dịch bệnh và không để giảm sản lượng do dịch bệnh. Thậm chí có thể xem xét việc tăng diện tích sản xuất vụ Thu Đông thêm 50.000 ha. Điều này vừa góp phần tăng cung ứng nguồn lương thực cho khu vực và thế giới, đồng thời mang lại thu nhập cho nông dân.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, khi tổ chức sản xuất tốt và có sản lượng nhất định thì đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể đàm phán, ký kết hợp đồng tốt hơn, có lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, trước biến động của giá gạo hiện nay, khâu xuất khẩu cần được tính toán để hài hòa các lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân, ổn định thị trường, cũng như đảm bảo thương hiệu gạo Việt, tránh tình trạng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ. Tâm lý nông dân các vùng trọng điểm lúa xuất khẩu đang rất phấn khởi khi giá lúa đứng ở mức cao nhất hiện nay và một số địa phương nông dân có dự định mở rộng diện tích.

Ông Phạm Thái Bình-Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong thời điểm giá gạo toàn cầu đang có xu hướng biến động mạnh như hiện nay, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc ký kết hợp đồng mới. Bởi lẽ, khi giá gạo thế giới tăng dẫn tới việc giá trong nước cũng tăng cao, thậm chí giá lúa còn tăng nhanh hơn giá xuất khẩu. 

“Thời điểm này, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chưa ký kết thêm hợp đồng mới và chủ yếu đang tập trung vào các hợp đồng cũ đã được ký kết trước đó; đồng thời tập trung thu mua lúa theo cam kết với người nông dân”, ông Phạm Thái Bình cho hay.

Thực tế trên đặt ra, nếu ngành lúa gạo Việt Nam không có chiến lược dài hơi và sự “tiếp sức” từ chính sách sẽ rất khó để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Dù  quy hoạch sản xuất đúng hướng nhưng thiếu chính sách nhất quán làm “trợ lực” cho doanh nghiệp và người nông dân.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: Không lo thiếu gạo cho xuất khẩu và cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo. Bởi, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó, nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa.

Hiện tại, Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao. Vì vậy, ngoài đảm bảo thành tích cuối năm cần tính đến an ninh lương thực quốc gia và hàng tồn kho cho đầu năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất là rào cản lớn trong hành động thu mua, vì vậy Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại thời điểm thu hoạch chính vụ; đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

Theo ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung, dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi cho đầu tư dài hạn bởi bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. 

Tận dụng thế mạnh

Chú thích ảnh
Công nhân đóng bao bì sản phẩm gạo từ hệ thống hút khi chân không Ảnh: Thanh Binh/TTXVN

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại..., Việt Nam xác định mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay diện tích gieo trồng lúa của cả nước là 1,7 triệu ha với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối năm, nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch, đáp ứng đủ nhu cầu lúa, gạo trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ điều kiện cũng như nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiến lược lâu dài, thực hiện Quyết định 583/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo các địa phương, vùng trọng điểm lúa gạo thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời chú trọng điều chỉnh sản xuất theo hướng tăng cường bảo quản, chế biến, từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường lúa gạo, mới đây, tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Mặt khác, khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Về chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới, Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; trong đó, nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán. Năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Víetnam rice.

Đồng thời ngành nông nghiệp chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA…

Ông Nguyễn Cảnh Cường- Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, sự thiếu hụt nguồn cung lớn từ Ấn Độ sẽ tạo thuận lợi cho gạo Việt Nam tại thị trường Anh. Để tận dụng cơ hội này, Thương vụ kiến nghị Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng GlobalGAP để sản xuất gạo thơm chất lượng cao.

Cùng đó, chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Tới đây, để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng xuất khẩu tiềm năng, nhất là mặt hàng gạo, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đang chuẩn bị tham gia Hội chợ Speciality Fine Food Fair London vào tháng 11-12/9/2023 để quảng bá đặc sản Việt Nam; trong đó, có gạo ST25. 

Theo ông Trần Quốc Toản- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc phát triển thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên theo dõi tình hình thị trường từ các nước sản xuất, nhập khẩu gạo lớn để có thông tin cung cấp cho các bên liên quan, từ đó có định hướng trong sản xuất thời gian tới.

Mặt khác, đề nghị thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất, thực hiện tốt quy trình lưu thông dự trữ tối thiểu và thường xuyên cập nhật thông tin trao đổi thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình mới, tận dụng tốt thị trường ngách với những mặt hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao là thế mạnh của Việt Nam.

Đối với tình hình thị trường hiện nay, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, các địa phương, nông dân không nên vì giá lúa từ đầu năm đến nay ở mức cao, đẩy diện tích gieo trồng tăng liên tục, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả...

Bài 2: Xây dựng uy tín gạo Việt

Uyên Hương (TTXVN)
Xuất khẩu gạo trong tình hình mới - Bài cuối: Mở rộng thị trường
Xuất khẩu gạo trong tình hình mới - Bài cuối: Mở rộng thị trường

Sau thông báo cấm xuất khẩu gạo mà Ấn Độ đưa ra gây xáo trộn thị trường gạo thế giới, Nga và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng thông báo về việc dừng xuất khẩu gạo nhằm bình ổn thị trường nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN