Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc?

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lúa gạo là một trong 4 ngành hàng nông sản có kết quả sản lượng và giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm sẽ có những chuyển biến tích cực và có thể vẫn đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.

Cạnh tranh giá khốc liệt

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu hơn 2,71 triệu tấn gạo, trị giá FOB 1,132 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2014, sản lượng xuất khẩu giảm 9,6%, giá bình quân giảm 14,9 USD/tấn.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Về thị trường, Trung Quốc, châu Phi và Philippines vẫn là những nhà nhập khẩu chính và truyền thống của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 1 triệu tấn gạo được xuất sang thị trường Trung Quốc, đây cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là Philippines với 434.000 tấn, châu Phi 402.000 tấn, Malaysia 449.000 tấn… Trong cơ cấu gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm số lượng lớn.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015 không khác nhiều so với năm 2014, chủ yếu vẫn là do nguồn cung dồi dào, sự xuất hiện của các nhà xuất khẩu mới và có sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Trong 6 tháng cuối năm các DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đại lục, Hong Kong và châu Phi. Mục tiêu xuất khẩu của năm nay có thể vẫn đạt ở mức 7 - 7,5 triệu tấn.

Tại thị trường châu Phi, hiện nay Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Thái Lan về loại gạo 25% tấm bởi vì, gạo của Việt Nam có giá 330 USD/tấn, trong khi Thái Lan bán cho châu Phi loại gạo này chỉ ở mức 305 USD/tấn. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi chỉ đạt hơn 402.000 tấn. Bên cạnh đó, mặc dù gạo của Pakistan, Ấn Độ có giá cao hơn gạo Việt Nam 15 - 20 USD/tấn, nhưng quãng đường vận chuyển từ hai nước này tới châu Phi lại gần hơn nên sức cạnh tranh vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, đối với thị trường này, gạo 5% tấm và gạo thơm của Việt Nam có nhiều ưu thế vì giá cạnh tranh và được thị trường tin dùng.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Mặc dù phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, song theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm sẽ có những chuyển biến khởi sắc. Indonesia dự đoán sản lượng ngũ cốc nội địa tăng trong năm nay nên sẽ nhập khẩu ít hơn nhưng theo các chuyên gia, nước này sẽ mua khoảng 1 triệu tấn trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm. Malaysia có thể tăng nhập khẩu trong các tháng cuối năm. Trung Quốc sẽ tiếp tục mua gạo để đảm bảo nhu cầu lương thực cho một số tỉnh phía nam vừa bị lũ lụt tàn phá và Việt Nam có lợi thế địa lý trong việc cung cấp này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc gần đây đã thay đổi chính sách thương mại qua biên giới và thực hiện chính sách hạn ngạch nhập khẩu đối với doanh nghiệp trong nước.

Theo VFA, tính đến ngày 30/6, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu hơn 4,1 triệu tấn. Hiện vẫn còn hơn 1,38 triệu tấn gạo theo hợp đồng chưa được giao, trong khi lượng tồn kho của các doanh nghiệp hơn 1,4 triệu tấn. Như vậy, ngoại trừ sản lượng gạo doanh nghiệp sẽ giao theo hợp đồng, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp hiện nay không có nhiều. Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều khả năng giá gạo trước nước sẽ có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, để tiếp cận được với các “nhu cầu” này không phải dễ, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo giảm như hiện nay, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng các doanh nghiệp cần có chiến lược xuất khẩu trên cơ sở mở rộng thị trường mới, xuất khẩu theo nhu cầu thay vì chỉ bán sản phẩm hiện có, với các thị trường truyền thống. Đồng thời, doanh nghiệp phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và mô hình liên kết, cánh đồng mẫu lớn. Khuyến khích nông dân sử dụng giống xác nhận trong canh tác từ 70 - 80% trở lên trong canh tác lúa. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần được cải tạo, mở rộng để phục vụ cho việc vận chuyển lúa gạo với số lượng lớn.

Hứa Chung
Xuất khẩu gạo nhiều khó khăn
Xuất khẩu gạo nhiều khó khăn

Năm tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn với giá trị đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Nhận định về tình hình này, Bộ Công Thương cho rằng có nhiều nguyên nhân như một số thị trường hạn chế nhập gạo Việt Nam, cạnh tranh khốc liệt với gạo các nước khác...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN