Xuất khẩu gạo nhiều khó khăn

Năm tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn với giá trị đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Nhận định về tình hình này, Bộ Công Thương cho rằng có nhiều nguyên nhân như một số thị trường hạn chế nhập gạo Việt Nam, cạnh tranh khốc liệt với gạo các nước khác...

Tìm kiếm thị trường mới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân xuất khẩu (XK) gạo giảm là do sản lượng XK đến hầu hết các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc, Indonesia... đều giảm. Khối lượng gạo XK 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2,1 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ 2014.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN



Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khoảng hơn 30% thị phần. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, XK sang thị trường này vẫn xu hướng giảm. Tính riêng 4 tháng đầu năm, giảm 28,11% về khối lượng và giảm 31,06% về giá trị.

Đại diện một doanh nghiệp (DN) XK gạo lớn ở khu vực phía Nam cho biết, thị trường XK gạo những tháng đầu năm còn ảm đạm, các hợp đồng cũ ký từ năm 2014 thì không còn nhiều trong khi các hợp đồng mới thì manh mún, nhỏ lẻ. “Một số hợp đồng XK sang Trung Quốc cũng vơi dần”, lãnh đạo công ty cho hay.

Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới và tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Do đó, việc XK gạo của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, số lượng hợp đồng của các DN giảm mạnh.

Theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia lúa gạo của Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn cho XK gạo, cần tổ chức lại sản xuất. Các địa phương kiểm soát việc trồng lúa gạo theo quy hoạch của Chính phủ, có những quy định chặt chẽ trong khâu chế biến XK nhằm hạn chế những loại gạo cấp thấp. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN xây dựng kho dự trữ lúa gạo, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường nhập khẩu lúa gạo, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn tới giá giảm; chú trọng các thị trường XK truyền thống nhưng vẫn mở rộng các thị trường mới, giàu tiềm năng.

Từ sự nổi lên của các nước XK gạo mới này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên họp báo thường kỳ mới đây đã đưa ra nhận định rằng: “Bây giờ, thị trường gạo là của người mua chứ không phải của người bán”. Sự cạnh tranh này buộc ngành lúa gạo Việt Nam phải có sự điều chỉnh.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, tới nay, Trung Quốc chưa phân bổ hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch nên khó có thể biết được thị trường này sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngoài thị trường chủ đạo là Trung Quốc thì tất cả các thị trường XK gạo khác của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn.

Theo dự báo của VFA, thị trường năm 2015 có nhiều thay đổi. XK gạo vào Trung Quốc sụt giảm. Khu vực châu Phi vẫn là thị trường XK gạo lớn thứ hai của Việt Nam (năm 2014, Việt Nam mất 60% thị phần tại thị trường này do cạnh tranh với gạo Thái Lan và Ấn Độ). Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này do lợi thế giá cạnh tranh. Do đó, gạo Việt Nam cần tìm kiếm các thị trường XK mới để bù đắp cho sự sụt giảm tại các thị trường truyền thống. Hiện, VFA đang tìm cách xúc tiến XK gạo sang thị trường Tây Á và Nam Á.

Không tăng doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu

Trước ý kiến cho rằng cần mở rộng số DN đầu mối tham gia XK gạo để tăng khối lượng và giá trị XK, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thời điểm này chưa cần thiết phải mở rộng. Theo đó, XK gạo sang các thị trường lớn cần các DN chuyên nghiệp, tổ chức tốt. Nếu để quá nhiều DN tham gia kinh doanh như trước đây thì sẽ phát sinh nhiều bất cập, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giá sụt giảm, lợi bất cập hại cho gạo Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, từng có thời kỳ, số lượng DN XK gạo của Việt Nam lên đến 300 - 400 DN. Khi đó, hiệu quả cũng có nhưng rất nhiều bất cập. Trong đó, có sự cạnh tranh không lành mạnh của các DN, ép giá nông dân. Nhiều DN không đủ tiềm lực tài chính để phát triển thị trường, gắn kết với các vùng nguyên liệu. Vấn đề không phải là nhiều hay ít DN XK mà quan trọng là tiềm lực tiếp cận thị trường của DN.

Trước khi có Nghị định 109/2010 của Chính phủ quy hoạch các DN XK gạo thì mặc dù khối lượng XK gạo chỉ 5 - 7 triệu tấn nhưng giá gạo liên tục bị giảm. “Bởi vậy, Chính phủ đã phải quy hoạch lại, đảm bảo sự cân đối giữa số lượng DN với quy mô XK gạo, đảm bảo lợi ích người nông dân và DN. Số lượng các DN đầu mối được Chính phủ cấp phép hiện tương đối ổn định ở mức gần 150 DN”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại các DN đã được cấp phép mà hoạt động không hiệu quả, có thể thu hồi. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dù được cấp giấy phép nhưng có DN cả năm không XK tấn gạo nào. Do vậy, phải căn cứ vào kết quả XK, đưa ra điều kiện phân loại DN, tránh tình trạng ngồi giữ giấy phép mà không làm gì.

Hoàng Dương
Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới
Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới

Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN