Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 6,35 triệu tấn, vượt con số 6,2 triệu tấn so với kế hoạch đã điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Với tình hình xuất khẩu khá ảm đạm hiện nay cùng với sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp (DN) lo xuất khẩu gạo trong 2015 của Việt Nam sẽ rất khó khăn. Bốc xếp mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines tại cảng Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đinh Huệ - TTXVN.
|
Cạnh tranh khốc liệtGiá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 biến động khá mạnh trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt. Gần như trong suốt cả năm 2014, giá gạo Thái Lan rẻ hơn gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo qua đường mậu biên sang Trung Quốc bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng 5 - 6 tuần (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7) do chính sách kiểm soát chặt chẽ gạo nhập khẩu trên toàn biên giới của nước này. Nhìn chung xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2014 vẫn tiến triển tốt, song tiến độ xuất khẩu sang thị trường này năm 2014 không còn đều đặn như những năm trước. Tính chung trong cả năm 2014, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam ở mức 439 USD/tấn (giá FOB) tăng 2% so với năm ngoái.
Bước sang năm 2015, sau khi cân đối lượng gạo đã được giao cho đối tác với hợp đồng đã ký đến cuối năm 2014, doanh nghiệp hội viên VFA vẫn còn gần 1 triệu tấn gạo đang chờ giao cho đối tác trong năm 2015. Dù đã có trong tay lượng hợp đồng xuất khẩu tương đối khá, nhưng theo các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo VFA, tuy tín hiệu thị trường đã có như nhu cầu từ Philippines sau ảnh hưởng của cơn bão Hagupit hay nhu cầu từ Indonesia và Malaysia…, nhưng doanh nghiệp trong nước muốn giành được hợp đồng mới buộc phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, quốc gia đang thực hiện chiến lược xả kho gạo không lồ của mình.
Một nguyên nhân khác cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không mấy lạc quan là Ấn Độ, Pakistan cũng đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với Việt Nam. Các nước có thế mạnh về xuất khẩu gạo lại đặt mục tiêu xuất khẩu tăng từ 5% trở lên so với năm trước. Cụ thể, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 10,8 triệu tấn, Ấn Độ dự kiến xuất 8,7 triệu tấn; còn VFA dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,7 triệu tấn trong năm 2015
Năm 2014, Trung Quốc là nước “ăn” gạo Việt Nam nhiều nhất, với khoảng 2 triệu tấn, chiếm trên 30% lượng gạo xuất khẩu. Năm 2015, quốc gia này sẽ kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu gạo qua biên giới và đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch nên sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tìm kiếm thị trường mớiTrong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu gạo gay gắt, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, trong đó, việc tìm kiếm thị trường mới rất được quan tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2015, nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi sẽ tăng mạnh. Nigeria sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực này và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2015, Nigeria sẽ nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo, tăng 17% so với năm 2014 do sản lượng gạo nội địa nước này giảm xuống trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Bờ Biển Ngà sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 4% so với năm 2014... Giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Do sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nên từ năm 2009 đến nay, châu Phi phải nhập khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,5 đến 5 tỷ USD trong đó chủ yếu là loại gạo 25% tấm.
Trước dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường theo dõi hoạt động của thương nhân, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về tín dụng để xử lý, tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ kinh doanh, xuất khẩu gạo. |
Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực châu Phi là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng, chiếm đến 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của châu Phi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2014, gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 46 trên 78 thị trường tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt khoảng 410 triệu USD trong đó xuất khẩu gạo sang các thị trường chính ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Angola, Cameroon giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu là một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Đặc biệt, việc Thái Lan xả hàng bán gạo tồn kho giá rẻ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại gạo. Đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc hội thảo tại địa phương. Tổ chức các đoàn giao thương, XTTM tại khu vực trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo. Phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và thanh toán xuất nhập khẩu. Tăng cường theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam như Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ tại khu vực thị trường.
Thu Hường