Xuất khẩu gạo quý II sẽ chịu nhiều áp lực

Quý I/2014 được đánh giá không có nhiều khởi sắc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu không đạt như kỳ vọng và giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Bước sang đầu tháng 4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn dự báo xuất khẩu gạo trong nước còn gặp nhiều thách thức từ sự cạnh tranh trở lại của gạo Thái Lan và sự nhạy cảm của thị trường nguyên liệu trong nước.


Cung hạn chế - cạnh tranh giảm


Kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 3 đạt 583.294 tấn, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 439,2 USD/tấn, so với tháng 2, số lượng tăng 77,7%, giá bình quân tăng 29,89 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả quý I, số lượng xuất khẩu đạt 1,219 triệu tấn, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 434,67 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, lượng gạo xuất khẩu giảm 15,41%, giá bình quân giảm 7,77 USD/tấn.


 

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.

Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu tháng 3 đã vượt kế hoạch đề ra, nhưng lũy kế xuất khẩu 3 tháng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước do tồn kho thấp, chưa đến vụ thu hoạch chính khiến nguồn cung cấp hạn chế, giá nội địa cao, thiếu cạnh tranh trong khi giá thị trường thế giới sút giảm.


Trong quý I, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, giảm trên 20% nhưng Philippines tăng 554% so với cùng kỳ 2013 do có hợp đồng tập trung từ cuối năm 2013 chuyển sang. Với thị trường châu Mỹ, xuất khẩu sang Cuba giảm trên 51%, trong khi đó thị phần Mexico tăng đáng kể. Riêng thị trường châu Phi lại sút giảm mạnh đến gần 63% so với cùng kỳ 2013.


Chất lượng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm chủ yếu là gạo cấp thấp 25% tấm, chiếm 31,88% do xuất khẩu hợp đồng tập trung sang thị trường Philippines; tiếp đến là gạo trung bình 15% tấm, chiếm gần 23,41% do nhu cầu từ Trung Quốc; đứng thứ 3 là gạo thơm chiếm gần 18,91% và đứng sau cùng là gạo cấp cao 5% tấm chiếm trên 17%.


Tại cuộc họp bàn về thu mua và xuất khẩu gạo quý I, các doanh nghiệp thuộc VFA đánh giá, giá gạo xuất khẩu giao dịch trong quý I/2014, ổn định trong tháng 1 và đầu tháng 2, loại 5% ở mức 405- 410 USD/tấn, sau đó giảm dần đến cuối tháng 3 còn 390 USD/tấn. Tại thị trường trong nước, từ cuối năm 2013 đến tháng 2/2014, giá gạo trong nước ổn định ở mức cao do cung cấp hạn chế. Đầu tháng 3 giá có xu hướng giảm, nhưng tăng lại bình quân 300 đồng/kg sau khi các doanh nghiệp triển khai mua tạm trữ, tăng bình quân 300 đồng/kg và giảm nhẹ vào cuối tháng.


Áp lực cạnh tranh về giá


Phân tích từ VFA cho thấy, trong tháng 4, thị trường gạo sẽ được dẫn dắt bởi Thái Lan khi nước này đã khôi phục thị trường và trở thành nguồn cung cấp hấp dẫn nhất với giá rất cạnh tranh và thấp nhất trong các nguồn cung cấp chính hiện nay.


Các thông tin đang tác động đến thị trường là Thái Lan đang chào bán cho Malaysia 200 ngàn tấn gạo 5% với giá 385 USD/tấn, mặc dầu thông tin chưa được xác nhận. Thông tin Philippines đang dự kiến sẽ đấu thầu mua 800 ngàn tấn gạo 15% vào ngày 15/4/2014 khiến thị trường đang chờ sự cạnh tranh giữa Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam có thể tham gia vào đợt đấu thầu này nhưng theo các chuyên gia thị trường nông sản phân tích, thách thức lớn đối với doanh nghiệp gạo Việt Nam có thể đến từ thị trường nguyên liệu trong nước có giá cao và rất nhạy cảm với tin tức hiện nay.


Phân tích từ VFA cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu trúng thầu Philippines, các doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro nhiều vì phải chào giá thấp, trong khi chưa xác định được xu hướng giá cho đến thời điểm giao hàng là vào tháng 8/2014. Trong tháng 4, căn cứ số lượng đăng ký hợp đồng và khả năng giao hàng, VFA dự kiến kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước là 700 ngàn tấn.


Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 4/4, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ đông xuân 2013-2014 được 1,604 triệu ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được khoảng 1,1 triệu ha, năng suất khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng 7,48 triệu tấn lúa. Như vậy, chỉ còn khoảng 500 ngàn ha được thu hoạch dứt điểm trong tháng 4.


Để giải quyết lượng lúa gạo vụ này, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VFA đã phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho 133 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo đó, kết quả mua tạm trữ đến ngày 31/3 là 349.267 tấn quy gạo, đạt 34,93% kế hoạch. Nhằm đảm bảo việc thu mua theo quy định, trong tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đi giám sát quá trình mua tạm trữ lúa, gạo tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Liên Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN