Do thị trường lúa gạo thế giới trầm lắng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa quyết định giảm giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm còn 500 USD/tấn (giá cũ 520 USD/tấn); gạo 25% tấm còn 480 USD/tấn (giá cũ 490 USD/tấn)… Đây được xem là động thái giúp doanh nghiệp dễ cạnh tranh hơn, nhằm tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu mới.
Quý I, xuất khẩu hơn 1,7 triệu tấn
Thông tin từ VFA, xuất khẩu (XK) gạo trong tháng 3/2011 của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 650.000 tấn, góp phần đưa số lượng XK của cả quý đạt hơn 1,7 triệu tấn và có thể đạt mức kỷ lục về XK gạo. Tuy nhiên, dự báo XK trong quý II/2011 sẽ khó đạt con số khả quan trên do số lượng hợp đồng cho các đợt giao hàng mới đang trở nên ít đi trong khi tình hình thị trường thế giới có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu ít khởi sắc. “Đạt số lượng trên, không phải do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng mà thực chất hầu hết số lượng trên đã được các doanh nghiệp ký từ năm 2010 và hiện không ít đơn vị vẫn đang chật vật tìm kiếm hợp đồng mới khi thị trường bất ngờ trầm lắng”, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA phân tích.
Tổng công ty lương thực miền Nam bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Là một trong các bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, ngay từ đầu mỗi năm Philíppin đã xúc tiến việc thu mua với số lượng khá lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 3, quốc gia này vẫn chưa tham gia sâu vào thị trường và các doanh nghiệp nước bạn “bật mí”, chỉ mua khoảng 800.000 tấn, gần bằng 1/3 so với số lượng năm 2010. Trong khi đó Thái Lan đã giảm giá bán để thu hút người mua. Điều này dẫn đến tâm lý các nhà nhập khẩu gạo không vội ký thêm hợp đồng mới mà đợi giá giảm tiếp mới quyết định mua vào.
Hiện các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân và ngay trong tháng 3, nơi đây sẽ thu hoạch khoảng 1 triệu ha. Điều này đã tăng áp lực tiêu thụ lúa trên thị trường. Ngay từ 1/3, các doanh nghiệp đã triển khai chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhằm giữ giá lúa trong nước không xuống thấp hơn 5.000 đồng/kg nhưng với tiến độ khá chậm. Theo nhiều doanh nghiệp, lý do là họ lo ngại đầu ra khi nhiều hợp đồng mới vẫn còn trên bàn đàm phán và hầu hết chỉ kỳ kèo về giá, trong khi những hợp đồng cũ xuất qua Trung Đông, châu Phi... thì gặp khó khăn.
Sẽ còn nhiều khó khăn
Do chi phí đầu vào tăng mạnh nên năm nay, theo các ngành chức năng dự kiến, giá lúa thu mua của nông dân sẽ tăng chứ không giảm. Khảo sát tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, dù đã thu hoạch được hơn 50% diện tích, nhưng giá lúa đông xuân chính vụ lại đang có xu hướng tăng chứ không giảm như mọi năm. Lúa hạt dài có thời điểm đã tăng lên hơn 6.000 đồng/kg; lúa IR 50404 mua tại ruộng ở mức 5.800 đồng/kg, giá lúa thơm dòng Jasmine mua tại ruộng đã lên mức 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa thơm phơi khô có giá 5.600 đồng/kg… cao hơn từ 400 – 600 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2. Theo ông Phong, với giá đầu vào cao như trên, các doanh nghiệp phải tính toán cẩn thận khi đàm phán để tránh thiệt hại trong kinh doanh.
Thực hiện các cam kết WTO, ngay từ đầu năm 2011, Việt Nam đã mở cửa thị trường thu mua gạo XK cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không như trước đây khi muốn thu mua gạo, các doanh nghiệp “ngoại” phải kết hợp với một đối tác trong nước, hiện họ có thể đàm phán thẳng với nhà nông. Đây thật sự là khó khăn cho những doanh nghiệp nhỏ, bất lợi về nguồn vốn, phương thức kinh doanh. Thống kê của VFA, số doanh nghiệp có thực lực chỉ khoảng hơn 30 đơn vị, số còn lại hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thời vụ. “Ngoài những giải pháp về hỗ trợ vốn, mua lúa dự trữ…, đã đến lúc các ngành chức năng cần hỗ trợ khai thông thị trường XK, tìm đầu ra bằng con đường hỗ trợ thương mại kinh doanh chứ không phải các giải pháp tình thế như thời gian qua”, ông Phong kết luận.
Lê Nghĩa