Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho rằng lượng gạo xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này có thể giảm xuống mức 8 triệu tấn trong năm nay, do sụt giảm mạnh trong xuất khẩu gạo trắng.
Ông Chookiat dự báo việc đồng baht tiếp tục tăng giá sẽ khiến cho gạo của Thái Lan đắt hơn giá gạo từ những nước khác và sẽ làm giảm 35% lượng gạo trắng xuất khẩu so với tổng số 5,49 triệu tấn của năm trước.
Theo ông Chookiat, các đơn đặt hàng dường như không nhộn nhịp vào lúc này. Tính đến cuối tháng 9, Thái Lan mới chỉ xuất khẩu được tổng cộng có 6 triệu tấn gạo.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giao tại tàu (giá FOB) được báo là 400 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Việt Nam được báo ở mức 320 USD/tấn. Giá thóc ở Việt Nam cũng thấp hơn, ở mức 5.600 baht (183,67 USD)/tấn, trong khi giá thóc của Thái Lan được báo ở mức 7.500-7.800 baht (245,98-255,82 USD)/tấn.
Ông Chookiat nhận xét đồng tiền của Việt Nam ổn định từ năm ngoái. Do đồng baht mạnh lên, ông Chookiat cho rằng các khách hàng như Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ chuyển sang mua gạo từ Việt Nam thay vì Thái Lan.
Thông thường, xuất khẩu gạo của Thái Lan ở mức trung bình 10 triệu tấn mỗi năm, trong đó lượng gạo trắng chiếm một nửa. Theo ông Chookiat, lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay có thể chỉ đạt mức 3 triệu tấn.
Tháng 7 vừa qua, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay từ 9,5 triệu tấn xuống mức 9 triệu tấn. Trong đó, gạo trắng sẽ chiếm 3,9 triệu tấn, gạo đồ 2,8 triệu tấn, gạo hom mali 1,3 triệu tấn, gạo thơm 600.000 tấn và gạo nếp 400.000 tấn.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy lượng gạo xuất khẩu của nước này trong 8 tháng đầu năm 2019 giảm 26,3%, ở mức 5,3 triệu tấn, trong khi giá trị xuất khẩu gạo giảm 22% xuống mức 2,87 tỉ USD.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo, Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Thái Lan sớm tới thăm các nước mua gạo ở châu Á như Philippines và Trung Quốc.