Chương trình trợ giá 'phủ bóng đen' lên xuất khẩu gạo Thái Lan

Gần 30 năm qua, Thái Lan đã độc giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với loại gạo thơm Hom Mali của nước này trở thành một mặt hàng có tiếng trong các loại gạo thơm. Tuy nhiên, năm 2012, Thái Lan đã để ngôi vị của mình rơi vào tay Ấn Độ mà một trong nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi tại “xứ chùa Vàng”.

Số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết, kể từ tháng 1/2013, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

Hai mặt của một đồng tiền

Để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 8/2011, bà Yingluck Shinawatra đã đưa ra hàng loạt cam kết nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Trong đó, kế hoạch thu mua gạo tạm trữ khổng lồ nhằm tăng thu nhập cho người nông dân chính là điểm then chốt mang lại chiến thắng cho nữ thủ tướng. Trong bối cảnh Thái Lan vẫn là nước nông nghiệp truyền thống, bà Yingluck đã lấy được lòng tin và sự tín nhiệm của phần lớn của người dân khu vực nông thôn.

Những bao gạo dự trữ đã nằm tồn đã lâu tại nhà kho tỉnh Ayutthaya, phía bắc thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters


Giữ đúng cam kết trước khi đắc cử, bắt đầu từ ngày 7/10/2011, bà Yingluck chính thức tung gói tài chính khổng lồ mua gạo tạm trữ từ người nông dân với giá cao gấp đôi thị trường. Cụ thể, giá mua mà Chính phủ Thái Lan đưa ra là 15.000 baht/tấn đối với gạo thường và 20.000 baht/tấn đối với gạo thơm. Ước tính, gói tài chính bà Yingluck tung ra cho chương trình này lên đến 470 tỷ baht, tương đương 16 tỷ USD, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đứng về mặt thu phục lòng dân, giành phiếu cử tri, chương trình trên khá hữu hiệu nhưng vấn đề là Chính phủ Thái Lan đã không ước tính đúng mức chi phí thực hiện. Tới tháng 6/2013, chính phủ đã thừa nhận thua lỗ hơn 4,46 tỷ USD trong một năm tiến hành chương trình hỗ trợ giá thu mua thóc gạo của nông dân. Trong khi đó, Moody’s nhận định tổng thiệt hại từ chương trình đã lên tới khoảng 6,6 tỷ USD.

Nông dân nghèo ở Thái Lan lại không được tham gia chương trình trợ giá gạo, vì điều kiện được hưởng chế độ trợ giá là phải canh tác trên một diện tích lớn. Ảnh: Internet


Nguyên nhân thua lỗ là do giá thu mua bị đẩy lên quá cao, hơn 40-50% so với giá thị trường, đẩy giá xuất khẩu lên. Trong xu thế thị trường gạo thế giới giảm giá, Thái Lan đã không thể cạnh tranh được và kết quả là lượng gạo xuất khẩu tồn đọng trong kho ngày một lớn.
Thêm vào đó, kế hoạch trợ giá gạo bị tham nhũng đục khoét một cách dễ dàng ở mọi khâu. Chẳng hạn, những người trung gian nhập gạo với giá thấp từ Campuchia rồi bán lại cho Chính phủ Thái Lan với giá rất cao. Trong khi nông dân nghèo ở Thái Lan lại không được tham gia chương trình trợ giá gạo, vì điều kiện được hưởng chế độ trợ giá là phải canh tác trên một diện tích lớn. Hệ quả là các khoản chi phí lớn cho chương trình trợ giá, lấy từ tiền thuế của dân, lại góp phần giúp cho giới nông dân khá giả sở hữu nhiều ruộng đất, tăng thêm lợi tức.

Đau đầu tìm lối ra

Chính phủ Thái Lan hiện khá “đau đầu” trước sự chệch hướng của chương trình trợ giá gạo và dường như chưa biết xử lý như thế nào. Cuối tháng 6/2013, Thái Lan thông báo giảm giá mua ấn định cho một tấn gạo. Song, trước sự phản đối của người nông dân, chính phủ đã phải lùi bước, cách chức Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom và nâng lại giá mua gạo ở mức 15.000 baht/tấn cho đến tháng 9 tới.

Một số nhà quan sát cho rằng Thái Lan đã trở thành “con tin” của chính chương trình mà họ đề ra, không thể hủy bỏ, cho dù kế hoạch này không những không sinh lời mà lại còn lỗ to. Một điểm bất lợi khác là chương trình trợ giá gạo của Băngcốc đang đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Thái Lan là thành viên.

Cơ hội của Việt Nam

Một số nhà phân tích đánh giá, khó khăn trong xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể là cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên thị trường gạo quốc tế. Tính đến tháng 10/2012, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Thời điểm này, Việt Nam bán ra được khoảng 5,9 triệu tấn gạo, Ấn Độ bán 5,6 triệu tấn, và Thái Lan 5,2 triệu tấn. Song, kết thúc năm 2012, Ấn Độ bất ngờ vượt lên trên và chiếm vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng xuất khẩu gạo.

Sang năm 2013, sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn bỏ xa Thái Lan. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng gạo Thái Lan xuất khẩu tiếp tục giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái còn 1,47 triệu tấn, trong khi lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đạt gần 2,5 triệu tấn. Bộ Công Thương cho biết Hồng Công, Xinhgapo và một số nước châu Phi là những thị trường đang có nhu cầu mạnh về gạo thơm của Việt Nam. So với Ấn Độ và Thái Lan, gạo thơm Việt Nam có giá cạnh tranh hơn nên thu hút được nhiều khách hàng.

Mặc dù gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá so với Thái Lan, song các chuyên gia nhấn mạnh xuất khẩu vẫn chưa thể tăng đột phá, chủ yếu do chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện và thiếu thương hiệu trên thị trường. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến tổng lượng gạo xuất khẩu cả năm nay ước đạt 7,5 triệu tấn.


T.M (tổng hợp)
Thái Lan bác tin gạo thành phẩm bị nhiễm độc
Thái Lan bác tin gạo thành phẩm bị nhiễm độc

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 20/7 đã chính thức bác bỏ thông tin trước đó nói rằng, sản phẩm gạo đóng gói của nước này có chứa methyl bromide, một loại hóa chất thường được sử dụng để diệt mối mọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN