Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018 và đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng. Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận, mở rộng được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, kể từ ngày 1/8, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác mới khai thác tốt thị trường EU.
Bà Marion Matinez, Chủ tịch Uỷ ban kinh doanh nông sản và thuỷ sản EuroCham Việt Nam cho rằng, EVFTA là hiệp định "đôi bên cùng có lợi" cho cả Việt Nam và EU, bởi EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển.
"Trong một thế giới mà các hoạt động kinh doanh bình thường bị trì trệ vì dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa, EVFTA sẽ giúp khởi động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Việt Nam hiện đã mở cửa kinh doanh trở lại, ngay cả khi các quốc gia khác trên thế giới đang phải vật lộn để đối phó với tác động của đại dịch. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào một thị trường an toàn, an ninh và phát triển nhanh chóng", bà Marion Matinez khẳng định.
An Giang là địa phương có lợi thế lớn về sản xuất mặt hàng lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn quả. Riêng về mặt hàng lúa gạo, hàng năm An Giang sản xuất hơn 630 ngàn ha lúa với sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn và là tỉnh sản xuất lúa gạo lớn thứ hai cả nước phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện thị trường xuất khẩu gạo của An Giang ngày càng được mở rộng, đến nay gạo của tỉnh đã xuất sang trên 39 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó thị trường xuất khẩu sang châu Á chiếm tỷ trọng lớn, với gần 80% sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh.
Những năm qua, An Giang luôn chủ động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo, sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn quốc tế và của Việt Nam, hướng đến sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ và bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện cơ cấu diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm của tỉnh tăng dần qua từng năm và đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất toàn tỉnh.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp từ năm 2016 An Giang đã triển khai tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) đến với 1.200 hộ nông dân, với 22.000 ha.
Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc như GlobalGAP, cũng như xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn, hướng đến sản xuất hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
"Việc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho ngành lúa gạo của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận của công ty và người nông dân trong việc thực hiện tốt chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để tạo ra được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu", ông Thư đánh giá.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA là một cơ hội lớn đồng thời cũng là một thách thức đối với chúng ta trong việc tổ chức sản xuất sao cho các sản phẩm lúa gạo đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của lúa gạo trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.