Sau khi nhận được thông tin nghêu chết ở Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri và Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, Ba Tri và UBND các xã Thới Thuận, Tân Thủy tiến hành khảo sát thực tế tình hình nghêu chết tại các hợp tác xã.
Theo Ban Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, tại lô I, khu vực có nghêu chết khoảng 15 ha, mật độ trung bình 97 con/m2, cỡ nghêu trung bình 85 con/kg. Hiện tại nghêu chết rải rác, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng 9% (sản lượng trước khi nghêu chết ước khoảng 160 tấn). Tại lô II, khu vực có nghêu chết khoảng 20 ha, mật độ trung bình 48 con/m2, cỡ nghêu trung bình 95 con/kg, nghêu chết rải rác, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng 8% (sản lượng trước khi nghêu chết ước khoảng 100 tấn).
Các yếu tố môi trường nước tại thời điểm khảo sát nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu sinh trưởng và phát triển (độ mặn là 23.6‰, pH: 8.2, nhiệt độ: 25.30C, khí độc NH3, H2S không phát hiện). Chi cục Thủy sản đã thu mẫu 01 nghêu gửi Trung tâm Quan trắc môi và Bệnh thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích tìm nguyên nhân.
Tại Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, khu vực nghêu đang chết tại bãi Bạch Long với diện tích khoảng 10 ha, cỡ nghêu 90 - 100 con/kg, tỷ lệ chết ước khoảng 60%, sản lượng ước tính khoảng 72 tấn. Giá bán khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg, ước thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Các yếu tố môi trường nước tại thời điểm khảo sát nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu sinh trưởng và phát triển (độ mặn là 24.9‰, pH: 8.8, nhiệt độ: 27.30C, H2S không phát hiện). Riêng khí độc NH3: 0.4 mg/l vượt ngưỡng cho phép (≤0.01 mg/l). Chi cục Thủy sản Bến Tre đã thu mẫu 01 nghêu gửi Trung tâm Quan trắc môi và Bệnh thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích tìm nguyên nhân.
Ông Phạm Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông cho biết, hàng năm từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 là chu kỳ hạn mặn, nắng nóng kéo dài. Do đó, nhằm đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của con nghêu trong mùa hạn mặn, nhất là duy trì hoạt động khai thác hiệu quả để sản lượng nghêu khai thác đạt kế hoạch đề ra, hợp tác xã tằng cường khai thác để san thưa mật độ nghêu, góp phần hạn chế thiệt hại trong trường hợp xảy ra thời tiết bất lợi cho nghêu.
Riêng đối với những vùng cao, hợp tác xã đem nghêu sang những vùng trũng hơn, nước ngập lâu hơn thì con nghêu sẽ thiệt hại ít hơn. Đây là những giải pháp mà hợp tác xã ưu tiên hàng đầu để tránh thiệt hại cho nghêu trong thời gian tới.
Theo nhận định của các Hợp tác xã thủy sản, nghêu bắt đầu chết rãi rác từ ngày 3, 4/3/2023. Các khu vực có nghêu chết là các bãi gò cao, thời gian phơi bãi dài hơn so với các bãi khác. Mặt khác, các ngày đầu tháng 3 thời tiết không ổn định, nhiệt độ ngày đêm dao động lớn (buổi trưa nắng gắt, đêm càng về sáng tiết trời se lạnh).
Nguyên nhân gây nghêu chết bước đầu nhận định do biến động môi trường giữa ngày và đêm lớn kết hợp với một số cá thể nghêu thành thục tuyến sinh dục chuẩn bị tham gia sinh sản. Dự báo trong thời gian sắp tới, tại các bãi nghêu chết sẽ không tăng do đang kỳ nước cường (nước từ 11 giờ hàng ngày bắt đầu lớn ngập bãi, thời gian phơi bãi ít).
Ông Hoàng Quốc Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre cho biết, đơn vị đã khuyến cáo các hợp tác xã thủy sản nên vệ sinh nghêu chết nhằm tránh lây nhiễm khu vực xung quanh. Trong khoảng thời gian này, không nên di dời lượng nghêu còn lại tại các bãi bị chết đến vùng nuôi khác. Đồng thời, khơi thông những nơi vùng đọng nước nhằm hạn chế nắng nóng cục bộ có thể gây bất lợi cho nghêu. Đối với khu vực nghêu phát triển bình thường, hợp tác xã nên tranh thủ san thưa hoặc đấu giá bán giảm bớt để mật độ tránh thiệt hại.