‘Xử lý các vấn đề liên quan đến dự án TISCO 2 là hết sức cấp thiết’

Đoàn công tác của Uỷ ban quản lý vốn (UBQLV) Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có buổi làm việc với các đối tác Trung Quốc nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2).

Chú thích ảnh
Nhiều hạng mục của Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) đã xuống cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp, việc xử lý các vấn đề liên quan Dự án TISCO 2 là hết sức cấp thiết, thể hiện tính chủ động của phía Việt Nam trong việc hiện thực hóa các nhận thức chung.
TISCO 2 là dự án đầu tư trọng điểm do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm Tổng thầu.

Công trình được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng, nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC ký ngày 12/7/2007 giữa hai bên. Từ năm 2012 đến năm 2016, TISCO và MCC đã tiến hành 12 cuộc đàm phán nhưng không giải quyết được các vướng mắc hợp đồng EPC.

Theo UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp, ngay sau tiếp nhận vai trò thường trực Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành công thương để xử lý các dự án này và đặc biệt là sau chuyến khảo sát, làm việc tại Dự án TISCO 2 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2022, UBQLV Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO trao đổi với MCC tổ chức đàm phán để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc của Hợp đồng EPC. 

Những nỗ lực chỉ đạo, điều phối của UBQLV Nhà nước đã đạt những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Cụ thể, sau rất nhiều năm bị đình trệ, MCC đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam giữa tháng 10/2022 để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về Dự án TISCO 2.

Việc MCC cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt cho thấy sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng như việc tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan liên quan hai nước thông qua các kênh ngoại giao đã có tác động rất lớn, làm thay đổi nhận thức và hành động của MCC.

Chuyến công tác đã tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của Dự án TISCO 2 khi lần đầu tiên 2 bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường, bước đầu đã giúp đưa ra định hướng sơ bộ về việc xử lý công việc tiếp theo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, phạm vi ủy quyền và thành phần đoàn công tác, nên mặc dù nhiều nội dung đã được 2 bên đồng ý đưa vào biên bản ghi nhớ, nhưng vào phút chót, MCC đã từ chối ký bản ghi nhớ.      

Đại diện UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Để việc đàm phán giải quyết những tồn tại, hạn chế của Hợp đồng EPC của Dự án TISCO 2 đạt được kết quả thực chất theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp hai bên, UBQLV Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Đoàn đi công tác Trung Quốc từ ngày 13/3/2023 đến 19/3/2023 để trực tiếp chỉ đạo SCIC, VNS và TISCO đàm phán với đối tác MCC; đồng thời có công hàm đề nghị lãnh đạo SASAC tham dự đàm phán và chỉ đạo MCC cử Lãnh đạo có đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề pháp lý và thương mại liên quan đến Dự án TISCO 2 trực tiếp đàm phán với Đoàn công tác.

Trong các ngày 17 - 19/3/2023, UBQLV Nhà nước sẽ có buổi hội đàm quan trọng với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp của 2 cơ quan; đặc biệt tiếp tục chỉ đạo đoàn đàm phán của SCIC, VNS và TISCO trong thời gian này và có buổi làm việc trực tiếp với MCC về các nội dung liên quan đến Dự án TISCO 2.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ủy ban Quản lý vốn nêu lý do không đồng ý cho VIMC giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước
Ủy ban Quản lý vốn nêu lý do không đồng ý cho VIMC giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có Văn bản số 1493/UBQLV-TH, cho ý kiến về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN