Hoàn thành “mục tiêu kép”
Báo cáo tại hội nghị về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, đến nay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành xử lý 233/259 việc chuyển giao từ các bộ; trong đó, năm 2020 hoàn thành xử lý 44 việc.
Cùng với đó, Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các công việc thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Hàng hải; phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Đường sắt năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản giai đoạn 2017-2020; phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 và Phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Điện lực tại Tổng công ty Phát điện 3.
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành công thương, Ủy ban đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo và nắm tình hình thực tế của doanh nghiệp. Các báo cáo, ý kiến tham mưu của Ủy ban đã làm rõ kết quả thực hiện xử lý của từng dự án, doanh nghiệp; phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, đề xuất một số nội dung mới; có tính quyết liệt để xử lý nhanh hơn các dự án, doanh nghiệp; phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, theo cách tiếp cận sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Đến nay, trên cơ sở tham mưu của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Ủy ban thường xuyên kịp thời cập nhật tình hình và chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để kiểm soát tốt tình trạng lây lan của dịch bệnh; thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước trong thời điểm nhiều thách thức; thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh mà các tập đoàn, tổng công ty đã đề ra.
Với nỗ lực vượt khó, thực hiện “mục tiêu kép”, phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu cơ bản đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2020 đã đạt và vượt kế hoạch giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm chủ yếu năm 2020 của các doanh nghiệp đạt trên 1,3 tỷ USD; tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp đạt trên 767 nghìn tỷ đồng, bằng 87,36% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, bằng 69,9% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 32,91% so với năm 2019. Tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79,3% so với năm 2019.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao trong năm 2020 như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (7,8%); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (20,3%); Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (8,9%); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (9,9%). Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 41,73%); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5,3%); Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5,1%).
Xây dựng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những thành tích đạt được của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, được thành lập gần ba năm và đã đi vào hoạt động được gần hai năm với nhiều nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó, đây chính là thời gian quan trọng, khi Ủy ban vừa phải hình thành tổ chức bộ máy, vừa phải bắt tay vào thực hiện tiếp nhận, kế thừa và xử lý khối lượng lớn công việc chuyển giao từ nhiều bộ, ngành trong đó có rất nhiều vấn đề phức tạp, tồn tại nhiều năm qua để lại. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực công tác, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban và các doanh nghiệp, về cơ bản Ủy ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước thời gian qua.
Cơ bản đồng ý với Báo cáo tổng kết của Ủy ban, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty cần chủ động triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, khóa XII, để xây dựng Ủy ban là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty; mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chú trọng công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu, triển khai chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Song song với đó, Ủy ban cần chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp cần được thực hiện với tiến độ nhanh hơn, đảm bảo chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn bị sẵn sàng cả về kiến thức, nguồn lực và năng lực để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành Công thương thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, cùng với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhân dịp này, 4 cá nhân của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 7 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.