Buổi hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp đối thoại trực tuyến giữa hai đầu cầu Paris và Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia người Việt đang công tác tại các viện nghiên cứu, công ty, trường đại học trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật điện tại Pháp. Tại các đầu cầu Việt Nam, các chuyên gia, cán bộ quản lý của Viện Năng lượng trực thuộc Bộ Công thương, Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng một số cơ quan ban ngành liên quan đã tham gia trình bày tham luận, chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến.
Tại hội thảo, thay mặt các chuyên gia của AEEE, Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Hoàng Anh và Tiến sĩ Đỗ Minh Thắng đã trình bày về tình hình chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số trong ngành năng lượng thế giới và châu Âu. Các chuyên gia khẳng định rằng đây là hai xu hướng tất yếu đặt ra cho ngành năng lượng trong chỉ ở các nước phát triển mà còn cả ở các nước đang phát triển như Việt Nam trong tình hình mới với những yêu cầu cấp thiết về nguồn cung năng lượng và vấn đề môi trường.
Các xu hướng phát triển mới trong ngành năng lượng Việt Nam cũng đã được trình bày bởi các diễn giả tham gia hội thảo từ phía Việt Nam. Theo chia sẻ của Tiến sĩ Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, quá trình số hóa của Tổng công ty đã và đang diễn ra mạnh mẽ và trải dài trên các mặt: xử lý và bảo mật thông tin, quản lý tài sản và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ khách hang... Một nghiên cứu của Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hoàng Lương, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội, về quá trình chuyển đổi năng lượng tại các nhà máy sản xuất điện than góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng tại Việt Nam cũng đã được giới thiệu tại hội nghị.
Về phần mình, Tiến sĩ Trần Duy Châu, chủ tịch AEEE đã giới thiệu về các hoạt động chuyên môn và nguồn lực của hội trong việc xúc tiến và triển khai các hoạt động trao đổi khoa học của Hội và các đơn vị ở Việt Nam trong thời gian tới đây.
Thạc sĩ Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ công thương, nhận định rằng các trí thức và chuyên gia người Việt Nam tại hải ngoại có thể có những đóng góp tích cực cho nước nhà thông qua đối thoại xoay quanh ba lĩnh vực tư vấn và đối thoại với các doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học và công nghệ và tư vấn chính sách.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng Đại diện Khoa học công nghệ Việt Nam tại Paris cho rằng các trao đổi về thực trạng, chính sách cũng như các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành đã khẳng định chất lượng chuyên môn cùng tinh thần nhiệt huyết hướng về Tổ quốc của của các chuyên gia ngành Năng lượng gốc Việt đang sống và làm việc tại Pháp. Sự đóng góp các ý kiến và phân tích dưới góc nhìn chuyên môn khách quan của Hội là một nguồn hỗ trợ quý giá cho các cơ quan tại Việt Nam trong công tác đánh giá công nghệ năng lượng mà Việt Nam đang được các nước giới thiệu và chuyển giao.
Hai bên cũng nhất trí về việc tiếp tục hợp tác để cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm về hiệu quả kinh tế và tác động xã hội của các công nghệ mới tại Việt Nam, dựa trên những phân tích quá trình khai thác và ứng dụng thực tế tại các quốc gia tiên tiến.