Xoay xở giữa lệnh trừng phạt

Khi các giám đốc điều hành từ hàng trăm công ty Nga và nước ngoài gặp nhau tại St Petersburg một năm trước đây để tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, hầu hết họ đều trong tâm trạng "sốc".

Một cơ sở doanh nghiệp phải đăng biển cho thuê mặt bằng Tverskaya thuộc Moskva. Ảnh: EAP


Thời điểm đó, Mỹ và châu Âu không chỉ vừa áp đặt các lệnh cấm thị thực và phong tỏa tài sản của một số quan chức và công ty của Nga do quyết định của Moskva sáp nhập Crimea mà còn đe dọa mở rộng hơn nữa các biện pháp trừng phạt. Một câu hỏi xuất hiện trong mọi cuộc đối thoại khi đó là: Rồi mọi việc sẽ tồi tệ đến đâu?

Tuần này, khi Diễn đàn được mệnh danh là "Davos Nga" được triệu tập, nhiều cá nhân và công ty đã ở vị thế tốt hơn để trả lời câu hỏi đó. Nước Nga đã trải qua gần một năm chịu các biện pháp trừng phạt mở rộng (áp đặt tháng 7 năm ngoái) khiến nhiều tập đoàn lớn của Nga không thể huy động vốn ở phương Tây, doanh số bán hàng hóa quốc phòng và hàng lưỡng dụng từ Nga sang châu Âu và Mỹ bị hạn chế, và nhiều thỏa thuận năng lượng cũng bị đình chỉ. Tuy vậy, đối với các công ty Mỹ và châu Âu có hoạt động kinh doanh tại Nga, cuộc sống trong hoàn cảnh mới hóa ra tốt hơn mong đợi. Trong khi giới ngân hàng cả ở các nước châu Âu lẫn Mỹ nói rằng hoạt động kinh doanh của họ tại Nga đã gần như bị ngưng trệ hoàn toàn thì điều này không phải đúng cả cho các công ty ở nhiều ngành khác.

"Hàng hóa và dịch vụ trên lý thuyết là chủ thể của các biện pháp trừng phạt nhưng trong thực tế dường như không phải vậy. Các công ty vẫn làm việc giữa các lệnh trừng phạt", Chris Weafer, đối tác sáng lập tại hãng tư vấn Macro-Advisory ở Moskva nói, "một số chính phủ phương Tây dường như đã nhắm mắt làm ngơ và tôi nghĩ thông điệp đơn giản là nếu như anh đừng có làm om sòm lên thì cũng chẳng ai động đến anh".

Các nhân viên kinh doanh của nhiều công ty nước ngoài tại Nga cũng có chung suy nghĩ này. Một quan chức cấp cao của một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nói: "Có những cách hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp và tất cả các cách thức này đều phổ biến".

Giám đốc điều hành hai công ty nước ngoài nói rằng họ đang thay đổi lộ trình xuất khẩu một số mặt hàng sang Nga thông qua nước thứ ba không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Giám đốc điều hành một công ty kỹ nghệ của châu Âu nói rằng nhiều đối thủ cạnh tranh của họ giờ đây đang sử dụng các nhà máy tại các nước thứ ba để xử lý các đơn đặt hàng từ Nga mà nếu không làm như thế có thể vi phạm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng. "Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp sử dụng các nhà máy tại Trung Quốc và Ấn Độ", vị này cho biết.

Một trong những cách phổ biến nhất để né các biện pháp trừng phạt là sự thành lập các công ty mới bởi những khách hàng Nga bị cấm mua hàng từ những nhà cung cấp thông thường của họ. Một giám đốc kinh doanh của một công ty Pháp tại Nga cho biết ngay sau khi công ty này thông báo với một công ty nhà nước của Nga hồi tháng 2 rằng họ không thể bán thiết bị theo đề nghị của khách hàng lâu năm của họ, lập tức có một công ty khác của Nga tiếp cận với họ và đưa ra đề nghị tương tự. "Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến họ hay bất cứ cổ đông nào của họ trước đó, nhưng họ ngỏ ý muốn mua các sản phẩm y hệt như của khách hàng cũ của chúng tôi. Họ biết cả đặc điểm kỹ thuật và giá cả sản phẩm cũng như việc cần phải liên lạc với ai", ông này nói. "Chúng tôi nhanh chóng kiểm tra và không ai trong số các cổ đông của công ty này có tên trong danh sách bị cấm vận. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm mặc dù chúng tôi cũng đoán được điều gì đang diễn ra".

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy định cũng giúp các công ty đối phó với các biện pháp trừng phạt. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà điều hành châu Âu đã cho qua một vài hợp tác giữa các công ty châu Âu và tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft mà theo đó một nguồn tin trong ngành này nói rằng họ sẽ được phép tiếp tục làm việc tại các dự án ở Bắc Cực, mặc dù trên nguyên tắc các dự án như vậy nằm trong diện bị trừng phạt.

Những công ty nước ngoài đang cố gắng làm ăn trong hoàn cảnh mới đôi khi gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhân viên người Nga của họ. Dominic Sanders, một đối tác tại Linklaters ở Moskva nói: "Rất khó để thuyết phục các nhân viên bản địa tin rằng có trách nhiệm hình sự đối với mỗi công dân Liên minh châu Âu (EU). Nhân viên Nga tại các công ty nước ngoài cũng đọc báo Nga. Họ lĩnh hội thông điệp rằng tất cả những điều này rồi sẽ sớm qua đi và nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận rủi ro này như bất cứ rủi ro thương mại nào khác".


Đỗ Sinh (Theo FT)
EU giữ nguyên trừng phạt Nga đến cuối năm
EU giữ nguyên trừng phạt Nga đến cuối năm

Liên minh châu Âu (EU) có thể thay đổi lập trường liên quan đến việc phát triển hợp tác với Nga phụ thuộc vào việc giải quyết tình hình ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN